Ngoài vốn góp là tiền, doanh nghiệp cần các nguồn vốn khác là cơ sở vật chất hay quy trình kỹ thuật. Do đó, cá nhân, tổ chức khi thành lập doanh nghiệp đã góp vốn bằng nhiều hình thức khác nhau.

Góp vốn vào công ty như thế nào?

Theo khoản 18 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020, góp vốn là hình thức góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty, bao gồm góp vốn để thành lập công ty hoặc góp thêm vốn điều lệ của công ty đã được thành lập.

Pháp luật doanh nghiệp không quy định số vốn tối thiểu phải góp vào công ty là bao nhiêu mà sẽ tuỳ thuộc vào nhu cầu của mỗi công ty. Tuy nhiên, một số ngành, nghề kinh doanh có yêu cầu phạt đạt đủ số vốn góp tối thiểu (vốn pháp định) mới được phép hoạt động kinh doanh.

Vốn góp từ các thành viên, cổ đông phải được chuyển quyền sở hữu hợp pháp sang cho công ty. Căn cứ Điều 35 Luật Doanh nghiệp 2020, thành viên công ty TNHH, công ty hợp danh và cổ đông công ty cổ phần phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty theo các trường hợp sau:

Trường hợp phải đăng ký quyền sở hữu tài sản góp vốn: Đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đất thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty theo quy định của pháp luật. Việc chuyển quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng đất đối với tài sản góp vốn không phải chịu lệ phí trước bạ;

Trường hợp phải lập biên bản xác nhận chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn: Đối với tài sản không đăng ký quyền sở hữu, việc góp vốn phải được thực hiện bằng việc giao nhận tài sản góp vốn có xác nhận bằng biên bản, trừ trường hợp được thực hiện thông qua tài khoản.

Các hình thức góp vốn vào doanh nghiệp hiện nay

Khoản 1 Điều 134 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.

Theo Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015, tài sản bao gồm:

– Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

– Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.

Như vậy, vốn góp vào doanh nghiệp phải là tài sản theo quy định của Điều 105 Bộ Luật Dân sự 2015. Trên thực tế, cá nhân, tổ chức thường góp vốn vào doanh nghiệp dưới 03 hình thức:

– Góp vốn bằng tiền mặt;

– Góp vốn bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, quyền sở hữu trí tuệ;

– Góp vốn bằng công nghệ và bí quyết kỹ thuật.

1. Góp vốn bằng tiền mặt

Tiền mặt là tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành (khoản 1 Điều 3 Nghị định 222/2013/NĐ-CP). Theo đó, cá nhân có thể góp vốn vào doanh nghiệp bằng hình thức thanh toán tiền mặt hoặc thanh toán qua tài khoản ngân hàng.

Tuy nhiên, doanh nghiệp không được thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác

2. Góp vốn bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, quyền sở hữu trí tuệ

Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hợp pháp theo Luật Đất đai mới có quyền góp vốn đối với tài sản đó. Người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty theo quy định của pháp luật.

Quyền sở hữu trí tuệ là những quyền của chủ sở hữu đối với các đối tượng sở hữu trí tuệ bao gồm: Quyền tác giả và quyền liên quan, nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý…Điều kiện và thủ tục góp vốn quyền sở hữu trí tuệ cũng giống như quyền sử dụng đất

3. Góp vốn bằng công nghệ và bí quyết kỹ thuật

Bí quyết kỹ thuật là là thông tin được tích lũy, khám phá trong quá trình nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh có ý nghĩa quyết định chất lượng, khả năng cạnh tranh của một sản phẩm hay thậm chí là cả một doanh nghiệp. Còn công nghệ nói chung là những phát minh các công cụ để thay thế máy móc kỹ thuật nhằm đạt hiệu quả cao hơn trong sản xuất, kinh doanh nói riêng.

Việc góp vốn bằng công nghệ và bí quyết kỹ thuật chính là chuyển giao các quyền tài sản khác cho doanh nghiệp, có thể là quyền hưởng dụng, quyền định đoạt các tài sản đó.

Ví dụ: Cá nhân góp vốn bằng phần mềm quản lý logistic, công ty có quyền sử dụng phần mềm này để quản lý vận chuyển hàng hoá và thu lợi từ nó.

Và quan trọng nhất, việc góp vốn bằng công nghệ và bí quyết kỹ thuật phải được định giá theo quy định của Luật Doanh nghiệp, trong đó có sự tham gia của tổ chức thẩm định giá và thành viên công ty.

Tóm lại, có nhiều hình thức để góp vốn nhưng vốn phải là tài sản theo quy định của Bộ Luật Dân sự hoặc tài sản khác được định giá bằng Đồng Việt Nam. Lưu ý, việc góp vốn bằng “công sức” hay đóng góp bằng “trí tuệ” không được coi là một hình thức góp vốn vì đây là những đối tượng không được coi là tài sản.

Bài viết cùng chuyên mục

Tham khảo thêm

Facebook
Twitter
LinkedIn
Pinterest
Tumblr

THÔNG TIN LIÊN HỆ

CÔNG TY LUẬT VIỆT PHÚ