Nhu cầu về ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách tư pháp là thiết yếu, cần đẩy mạnh để đáp ứng sự thay đổi của tình hình mới, tìm ra phương thức thích hợp là một nhu cầu cấp thiết hiện nay đối với Tòa án.

Thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đã cho ta nhiều công cụ làm thay đổi phương thức giao tiếp, liên hệ, xác thực với nhau mọi lúc mọi nơi. Nhu cầu về ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách tư pháp là thiết yếu, cần đẩy mạnh để đáp ứng sự thay đổi của tình hình mới, nhất là trong giai đoạn đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tốc độ lây lan mạnh gây khó khăn cho hoạt động của Tòa án nói riêng và xã hội nói chung.

I.Khó khăn trong ứng dụng công nghệ thông tin hiện nay

Việc ứng dụng công nghệ thông tin (số điện thoại, mail, fax…) trong tố tụng cũng đã được luật hóa tại các Điều 133, 189, 196, 272, 318, 362 của BLTTDS, Điều 73, 118, 205 LTTHC và TANDTC cũng đã ban hành Nghị quyết 04/2016/NQ-HĐTP, ngày 30 /12/2016 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử, giữa người khởi kiện, đương sự, người tham gia tố tụng khác với Tòa án trong thủ tục giải quyết vụ án dân sự, vụ án hành chính.

Theo đó, ghi nhận việc gửi, nhận đơn khởi kiện và các tài liệu chứng cứ kèm theo bằng phương tiện điện tử; việc cấp, tống đạt thông báo văn bản tố tụng bên cạnh các phương thức tống đạt trực tiếp và qua dịch vụ bưu chính thì bổ sung phương thức cấp tống đạt bằng thư điện tử. Vấn đề này thực tế hiện tại còn nhiều khó khăn chưa thể áp dụng việc tống đạt bằng thư điện tử phổ biến vì tính xác thực của chữ ký điện tử (chữ ký số). Các chữ ký điện tử này phải được chứng thực bằng chứng thư điện tử đang còn hiệu lực do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp, công nhận theo quy định tại Nghị định 130/2018/NĐ-CP ngày 27/9/2018 của Chính phủ về quy định chữ ký số và chứng thực chữ ký số. Vô hình trung buộc người tham gia tố tụng và cơ quan tiến hành tố tụng phải thực hiện thêm một thủ tục, phải bỏ một số tiền không nhỏ để thực hiện việc đăng ký, gia hạn chữ ký điện tử này trong một khoảng thời gian nhất định (VD: giá dịch vụ chữ ký số tháng 7/2021 của Viettel hơn 1.826.000 đồng/năm cho đăng ký mới và phí gia hạn 1.276.000 đồng cho một nam tiếp theo), nên hiện tại chưa được ứng dụng phổ biến. Mặt khác, việc xử lý các tài liệu gửi bằng phương tiện này đang còn là một vấn đề cần phải nghiên cứu thêm.

Ngày nay số điện thoại di động cá nhân (có thể xem là địa chỉ số để liên hệ, theo quy định hiện hành thì các thuê bao này buộc phải đăng ký thông tin cá nhân) là phổ biến và rất ít người không có số điện thoại và hầu hết đều sử dụng điện thoại thông minh (smart phone) đa phần đều có kết nối internet.

SO SÁNH Tốn chi phí Tốn thời gian Tố tụng
Tống đạt truyền thống (kể cả thừa phát lại) cao rất nhiều/

địa chỉ

Đảm bảo
Gửi thư bưu chính cao nhiều/địa chỉ Địa chỉ không cụ thể (ấp, tổ, khu phố..) khó nhận thư, khó xác định được người tham gia tố tụng ký nhận thư…
Email (thư điện tử)

(thực hiện một vụ việc)

Đăng ký chữ ký điện tử và duy trì hiệu lực Nhiều/vụ Phải đáp ứng đủ điều kiện Luật Thương mại điện tử và các văn bản hướng dẫn thi hành…
Tin nhắn tin SMS thông thường ít hơn rất nhiều so với truyền thống, bưu chính 2-5 phút/vụ Được thông báo, giải thích và người tham gia tố tụng có yêu cầu gửi thông tin qua phương tiện điện tử, trích xuất dữ liệu từ nhà cung cấp dịch vụ nếu có khiếu nại…

II. Giải pháp thực hiện

Dựa trên nền tảng về các phương tiện công nghệ thông tin phổ biến hiện có, tác giả đề xuất giải pháp ứng dụng trong cấp, tống đạt văn bản tố tụng cho đương sự như sau:

Bước 1: Thu thập dữ liệu liên lạc điện tử (số điện thoại, địa chỉ email…) của người tham gia tố tụng

– Việc giải thích, thông báo, thông tin về trợ giúp pháp lý là trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng (theo quy định tại Điều 7,8,9,22 của Thông tư liên tịch số: 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 29/6/2018 của Bộ Tư pháp – Bộ Công an – Bộ Quốc phòng – Bộ Tài chính – TANDTC, VKSNDTC quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng).

– Tiếp theo sau đó cán bộ giải thích, mỗi cá nhân được phát giấy hướng dẫn truy cập trang thông tin điện tử của Tòa án (phụ lục 1) và phương pháp cấp, tống đạt thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử (thống nhất cách hướng dẫn của TANDTC trong toàn hệ thống, như thực hiện thông tin trợ giúp pháp lý nêu trên).

– Lập biên bản thu thập thêm số điện thoại nếu có (phụ lục 2), trường hợp chưa có đề nghị người dân sử dụng. Cho các đương sự ký tên cam kết các thông tin liên lạc đó là của cá nhân mình sử dụng, khi thay đổi phải báo cho Tòa án biết.

Bước này cần thực hiện ngay từ bây giờ và khi nào đủ điều kiện về phương tiện điện tử và tập huấn sẽ có dữ liệu để triển khai nhanh hơn.

Bước 2: Cách thức sử dụng các thông tin liên lạc số trên và các phương tiện điện tử để thực hiện cấp, tống đạt thông báo văn bản tố tụng

* Mỗi đơn vị Tòa án cần hoàn thiện các bước:

– Khi soạn thảo văn bản tố tụng thì cần ghi đầy đủ thông tin như: Tư cách tố tụng, họ tên, năm sinh, số điện thoại di động, địa chỉ của đương sự được lập tại biên bản (phụ lục 2)

– Giao văn bản tố tụng cần cấp, tống đạt (thông báo thụ lý, hòa giải, giấy triệu tập, quyết định xét xử) cho cán bộ IT hoặc Thư ký/Thẩm phán tự scan và đưa lên trang web cổng thông tin của đơn vị.

– Các đương sự có quyền yêu cầu Tòa án cấp bản chính các văn bản này nếu thấy cần thiết. Vì các văn bản tố tụng này được lưu trữ trên hệ thống đơn vị đến khi vụ án kết thúc và trong hồ sơ vụ án.

– Mỗi đơn vị/Tòa án đăng ký dịch vụ và cài đặt phần mềm gửi tin nhắn SMS hàng loạt (như SMS Marketing, SMS Pro…) dùng số điện thoại của Tòa án để gửi thông báo.

– Copy/Past hoặc nhập danh sách các số điện thoại được lập trong biên bản (Phụ lục 1) nhắn tin đến.

– Nội dung tin nhắn SMS như: “Yeu cau ong/ba Nguyen Van A co mat tai Toa an ND cap cao tai TPHCM; dia chi: so 8 duong so 57, phuong Cat Lai, Quan 2, Tp.HCM – phong so 13, vao luc 09h30 ngay 19/7/2021, de giai quyet vu an giua Le Thi B khoi kien Mai Hong V, thong tin chi tiet truy cap website capcaohcm.toaan.gov.vn, sau do nhap so thu ly 32-DS-2021 va so dien thoai cua ong/ba”. Chi phí 1 tin nhắn SMS dưới 300 ký tự từ 350-700 đồng.

phần mềm gửi tin nhắn sms marketing

Phần mềm gửi tin nhắn sms marketing

Đương sự nhận được tin nhắn SMS

Tổ chức thực hiện

– Tòa án tối cao có văn bản hướng dẫn, thống nhất cách tống đạt bằng phương tiện điện tử nêu trên trong hệ thống Tòa án, để các đơn vị cấp dưới mạnh dạng thực hiện.

– Tuyển dụng, đào tạo, tập huấn cán bộ IT, Thư ký, Thẩm phán cho mỗi đơn vị về sử dụng cổng thông tin Tòa án và phần mềm gửi tin nhắn SMS.

– Xây dựng, nâng cấp trang web cổng thông tin điện tử đạt tiêu chuẩn, khi công dân muốn tra cứu chỉ cần nhập: số thụ lý vụ án (VD: 32-DS-2021, 58-HS-2020 trong đó có ký hiệu số thụ lý, loại án và năm thụ lý vì mỗi năm sẽ có số thụ lý khác nhau) vào ô “SỐ THỤ LÝ”, và ô “SỐ ĐIỆN THOẠI” để nhận thông báo, xem chi tiết văn bản tố tụng vụ án (định dạng file PDF) của mình (tại đây đương sự sẽ tải các văn bản tố tụng được tống đạt và mã QR để khai báo khi ra vào cổng Tòa án).

– Tòa án cấp phúc thẩm khi nhận được văn bản tố tụng, hồ sơ của các Tòa án khác đã có thông tin tên, năm sinh, số điện thoại, địa chỉ của những người tham gia tố tụng từ biên bản (phụ lục 2) thì cũng thực hiện như các bước nêu trên.

III. Dự kiến trang thiết bị và đánh giá ưu nhược điểm

1. Trang thiết bị – Máy scan, máy vi tính kết nối internet, phần mềm nhắn tin hàng loạt của nhà mạng cung cấp.

2. Ưu điểm

– Các phương tiện liên hệ (điện thoại, ứng dụng, kết nối internet…) hầu hết người dân đều đã tự trang bị, các ứng dụng này cho ta biết người nhận đã xem/nhận tin nhắn (thông báo) hay chưa từ đó có phương án giải quyết cần thiết.

– Kiểm soát người ra vào và khai báo y tế bằng mã QR, hạn chế lây lan dịch bệnh, tiết kiệm kinh phí (gửi thư, đi lại xăng xe), thời gian đi tống đạt, hạn chế tai nạn, hạn chế khí thải…hơn rất nhiều so với việc tống đạt thông thường, tránh tình huống phát sinh cho cán bộ tống đạt văn bản tại địa chỉ đương sự.

– Đảm bảo công khai minh bạch, quyền được biết quá trình giải quyết vụ án, người tiến hành tố tụng, và khiếu nại khi cho rằng quyền lợi của mình bị xăm phạm

– Cho người tham gia tố tụng có thêm 1 kênh tra cứu thông tin vụ án bất cứ lúc nào, tránh phiền hà cho người dân đi lại và bị cán bộ Tòa án đến nhà/nơi làm việc tống đạt văn bản ảnh hưởng đến hình ảnh gia đình ở địa phương, cũng tiết kiệm cho người dân như trên, tránh gây bức xúc khi liên hệ với Tòa án nhiều lần mà chưa giải quyết được công việc… từ đó hạn chế ồn ào, mất trật, tụ tập đông người tự tại đơn vị.

– Dựa vào danh sách liên hệ đã lập biên bản người tham gia tố tụng cũng ý thức hơn về thông tin liên hệ của mình với cơ quan chức năng, tạo điều kiện khuyến khích nâng cao nhận thức người dân ứng dụng công nghệ thông tin trong cuộc sống.

– Đảm bảo cho người tham gia tố tụng nắm rõ thông tin thời gian, địa điểm, yêu cầu mà họ phải thực hiện.

– Thuận tiện cho đơn vị giao thư liên hệ với người nhận thông qua số điện thoại ghi trên bì thư, nếu có yêu cầu nhận văn bản giấy.

– Khi liên hệ bằng cách nhắn tin: người tiến hành và người tham gia tố tụng có thể xem lại thông tin truyền tải, hạn chế sai sót.

– Chủ động về thời gian tiếp nhận thông tin, tránh bị phiền hà giữa người dân và cán bộ vì chỉ nhắn tin một chiều (người dân chỉ nhận mà không gọi – gửi lại tin nhắn cho Tòa án).

3. Khó khăn

– Cán bộ làm việc ban đầu phải tập làm quen, phải nhập thêm số điện thoại và giải thích cho các đương sự về phương thức liên hệ tránh bị lợi dụng lừa đảo.

– Cần phải rà soát kỹ để tranh sai sót khi phát hành các văn bản trên cổng thông tin điện tự.

**

Đẩy mạnh giao dịch điện tử, thay đổi phương thức giao tiếp, liên hệ truyền thống, tiến tới Tòa án điện tử đang là xu hướng tất yếu. Nghiên cứu, tìm ra phương thức ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với hoạt động của Tòa án là nhu cầu rất cấp thiết. Mong rằng đề xuất của chúng tôi trên đây được quan tâm, thảo luận nhằm sớm có được một phương thức phù hợp và hiệu quả.

LÊ ĐỨC ANH (Tòa Hình sự, TANDCC tại Tp Hồ Chí Minh) 

Bài viết cùng chuyên mục

Tham khảo thêm

Thủ tục khiếu nại tố cáo

Thủ tục khiếu nại tố cáo theo quy định của pháp luật Việt Nam bao gồm các bước sau: Giải quyết khiếu nại lần đầu:

Làm gì khi bị ép cung

Ép cung là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị ép cung. Khi bị

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest
Share on tumblr
Tumblr

THÔNG TIN LIÊN HỆ

CÔNG TY LUẬT VIỆT PHÚ