Mục lục
Tố tụng tố cáo
Đây là loại hình tố tụng được hình thành từ thời kỳ chiếm hữu nô lệ, nhưng tồn tại và phát triển cực thịnh trong thời kỳ đầu của xã hội phong kiến. Nét đặc trưng của tố tụng tố cáo là sự công nhận vị trí đặc biệt của người buộc tội – thường là người bị tội phạm xâm hại hay còn gọi là người bị hại. Việc khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự cũng như tiến hành hay chấm dứt các hoạt động tố tụng phụ thuộc vào ý chí của người buộc tội nên gọi là tư tố.
Sau này, thực tiễn cho thấy hành vi phạm tội không chỉ xâm hại đến lợi ích cá nhân người bị hại, mà còn gây thiệt hại cho cả xã hội và nhà vua. Mặt khác, để hạn chế tình trạng lợi dụng quyền tố cáo gây thiệt hại đến tính mạng, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác, loại hình tố tụng tố cáo đòi hỏi khi tố cáo tội phạm với nhà chức trách, người tố cáo phải tuyên thệ; nếu người bị tố cáo không phạm tội, người tố cáo có thể bị xử phạt. Điều này đã làm cho việc tố cáo của người bị hại giảm dần. Dần dần, trong loại hình tố tụng tố cáo, chủ thể buộc tội là cá nhân (người bị hại) được chuyển giao cho người đại diện lợi ích của nhà vua nên tư tố chuyển sang công tố.
Chủ thể thực hiện chức năng bào chữa chính là người bị buộc tội. Hơn nữa, mọi người đều có thể tham gia nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của người bị buộc tội nên thời kỳ này đã xuất hiện một số người được gọi là hiệp sỹ có điều kiện và khả năng tự nguyện đứng ra bảo vệ cho người bị buộc tội. Đó chính là những người thân, bạn bè của người bị buộc tội. Bào chữa ở đây thực chất chỉ là việc thể hiện tài năng, không vụ lợi và mang ý nghĩa cao cả nhằm bảo vệ người bị buộc tội.
Chủ thể thực hiện chức năng xét xử không có sự thống nhất, ở các thời điểm khác nhau thì cơ quan xét xử cũng được quy định khác nhau. Các Tổng đốc, Đại công, Tri châu, Quan tài phán, Quan toà, Quan thu thuế kiêm cảnh sát cũng đóng vai trò là người xét xử. Hệ thống chứng cứ được quy định đơn giản, mang nặng tính chất mê tín, tôn giáo, định kiến và áp đặt. Sự nhận tội của người bị buộc tội được coi là chứng cứ quan trọng nhất, là chứng cứ vua. Trường hợp không có sự nhận tội của người bị buộc tội thì có thể sử dụng các nguồn khác để chứng minh như lời thề hoặc phán xét theo ý trời hoặc các thử thách khác. Như vậy, với một hệ thống chứng cứ được quy định, tòa án không cần biết sự việc đã xảy ra như thế nào mà chỉ quan tâm đến khả năng chịu đựng thử thách của người bị buộc tội hay họ cần phải thề như thế nào. Đây là loại hình tố tụng cổ xưa nhất và được hầu hết các nước sử dụng trong những thời điểm khác nhau.
Tố tụng xét hỏi
Đây là loại hình tố tụng cũng xuất hiện vào thời kỳ chiếm hữu nô lệ§, trong các tòa án tôn giáo và dần dần thâm nhập vào tòa án thường. Loại hình tố tụng này phát triển phổ biến vào thời kỳ chế độ quân chủ, phát triển mạnh nhất ở thời kỳ trung cổ. Tố tụng xét hỏi ra đời từ những nguyên nhân sau: thứ nhất, từ yêu cầu tăng cường quyền lực công; thứ hai, do tình hình tội phạm tăng; thứ ba, do thái độ thờ ơ, vô trách nhiệm của quyền lực công đối với các quyền của con người.
Đặc điểm của tố tụng xét hỏi là hoạt động tố tụng được tiến hành bí mật và bằng văn bản. Trong tố tụng xét hỏi, các cơ quan có thẩm quyền dùng nghiệp vụ điều tra để xác định hành vi phạm tội của người bị buộc tội, nên không thể công khai rộng rãi, nhất là đối với người bị buộc tội. Tuy nhiên, để có cơ sở làm chứng cứ chứng minh thì cơ quan tiến hành tố tụng phải lập thành văn bản. Các hoạt động tố tụng không được phân biệt rõ ràng và được thể hiện ở những mức độ khác nhau. Đặc biệt, các cơ quan, tổ chức thực hiện chức năng tố tụng không được xác định cụ thể mà hầu như tập trung vào toà án. Người bị hại không có chức năng buộc tội mà thay vào đó là người thuộc các cơ quan, tổ chức thực hiện chức năng tố tụng. Người bị buộc tội bị hạn chế quyền bào chữa, họ không phải là một chủ thể trong quan hệ tố tụng mà chỉ là khách thể của quan hệ tố tụng. Thẩm phán không chỉ thực hiện chức năng xét xử mà còn thực hiện cả chức năng điều tra, chức năng buộc tội và có cả một phần của chức năng bào chữa.
Nguyên tắc cơ bản của loại hình tố tụng này là suy đoán có tội đối với người bị buộc tội. Nguyên tắc bí mật và bằng văn bản được áp dụng trong suốt quá trình giải quyết vụ án, hạn chế đến mức tối đa việc khiếu nại các bản án. Nguyên tắc sử dụng việc thừa nhận lỗi của người bị buộc tội là chứng cứ quyết định của vụ án.
Hệ thống chứng cứ đặc trưng của loại hình tố tụng này là tính hợp lệ của chứng cứ nhưng những quy định về chứng cứ lại hết sức trừu tượng. Ví dụ, lời khai của người đàn ông đáng tin cậy hơn lời khai của người đàn bà; lời khai của người giàu đáng tin cậy hơn lời khai của người nghèo; lời khai của giới học giả bao giờ cũng có giá trị cao hơn lời khai của người dân. Những tình tiết của vụ án chỉ được coi là chứng cứ khi những tình tiết đó được hai người trở lên biết. Pháp luật cho phép dùng nhục hình để thu thập chứng cứ. Trên thực tế, nhục hình được coi là cách thu thập chứng cứ có hiệu quả, quan trọng nhất.
Ngày nay, loại hình tố xét hỏi không còn duy trì tra tấn để thu thập chứng cứ. Một người làm chứng chỉ có nghĩa là nửa chứng cứ; vì nó chưa thực sự khách quan, chính xác nên nó không bảo đảm được thực chất nội dung của vụ án và người ta gọi đó là hệ thống chứng cứ hình thức. Cùng với sự phát triển của lịch sử, loại hình tố tụng xét hỏi cũng có những thay đổi. Ví dụ: hủy bỏ việc tra tấn, nhục hình, nhưng vẫn duy trì hệ thống các chứng cứ hình thức; áp dụng điều tra sơ bộ, quy định cụ thể, chặt chẽ thủ tục điều tra và xét xử; thừa nhận một số quyền cá nhân, suy đoán có tội bị bác bỏ nhưng chưa áp dụng suy đoán vô tội; trách nhiệm chứng minh có tội thuộc về bên buộc tội. Mặc dù có những thay đổi nhất định, nhưng tố tụng xét hỏi vẫn không phân chia các chức năng tố tụng theo thực chất, cho dù đã thành lập cơ quan điều tra sơ bộ, thừa nhận tính độc lập của tòa án. áp dụng nguyên tắc bí mật điều tra – xét xử và tố tụng bằng văn bản, thẩm phán vẫn giữ vai trò quan trọng, là trung tâm của hoạt động tố tụng.
Đặc trưng cơ bản của hoạt động tố tụng này là: đưa công tố của nhà vua thành một chủ thể bắt buộc của bất cứ vụ án hình sự nào, điều này thừa nhận sự quan tâm của Nhà nước đối với vụ án và tình hình tội phạm; quy định hai thẩm phán trong suốt quá trình điều tra, truy tố và xét xử. Phiên tòa xét xử trong loại hình này không phải là sự tranh luận giữa hai bên đối trọng mà là tiếp tục điều tra. Các bên phải cung cấp tất cả các chứng cứ cho tòa án, sự thật được đánh giá và kết luận trong quá trình xét hỏi.
Tố tụng tranh tụng
Đây là loại hình tố tụng được hình thành và phát triển từ loại hình tố tụng tố cáo và phát triển mạnh mẽ, rộng rãi ở các nước theo hệ thống án lệ, phổ biến nhất là khoảng từ thế kỷ X đến thế kỷ XIII. Theo loại hình tố tụng này, sự thật sẽ được mở ra qua sự tranh luận giữa những người có dữ liệu chính xác. Tố tụng tranh tụng dựa trên tư tưởng tố tụng là cuộc tranh tụng tại tòa án giữa một bên là người buộc tội và một bên là người bị buộc tội. Đã là cuộc tranh tụng thì hai bên đều được sử dụng các quyền và nghĩa vụ pháp lý như nhau trong việc thu thập, kiểm tra và đánh giá chứng cứ, phân tích và đưa ra các kết luận đối với những sự việc cụ thể. Về nguyên tắc, hai bên tranh tụng có khả năng và quyền như nhau trong tất cả các giai đoạn tố tụng chứ không chỉ tại phiên tòa xét xử.
Ở loại hình tố tụng tranh tụng, khi tham gia vào quá trình tố tụng, bên buộc tội và bên bị buộc tội không bắt buộc phải khách quan trong khi thực hiện quyền và nghĩa vụ. Công việc của họ là thu thập chứng cứ để buộc tội hoặc bào chữa phục vụ cho cuộc tranh tụng ở tòa án. Họ có trách nhiệm chứng minh tính có lỗi, các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự hoặc tính không có lỗi, các tình tiết giảm nhẹ tránh nhiệm hình sự.
Trong giai đoạn xét xử, tòa án đóng vai trò người phán quyết, lạnh lùng quan sát sự tuân thủ quy tắc cuộc tranh tụng của hai bên. Việc đánh giá chứng cứ phụ thuộc vào niềm tin nội tâm của thẩm phán khi thẩm phán dựa vào các tiêu chí hợp lệ của chứng cứ, khuôn mẫu chứng cứ. Để bảo đảm sự bình đẳng trong tranh tụng, phải có hai điều kiện:
Một là, sử dụng việc kiểm tra chéo, đối chất để xác định tính chính xác của chứng cứ. Bên buộc tội và bên bị buộc tội tập trung chỉ ra cái mà người làm chứng biết, chứ không phải cái mà họ nghĩ rằng người làm chứng biết.
Hai là, quyền được chia đều cho các bên buộc tội và bên bị buộc tội, tòa án chỉ đóng vai trò là trọng tài để bảo đảm cho các bên có đầy đủ điều kiện, các quyền như nhau khi tham gia tố tụng.
Với quan niệm TTHS chỉ gồm có giai đoạn xét xử nên các chức năng buộc tội – bào chữa – xét xử chỉ thực sự bắt đầu tại phiên tòa. Tại đây, với sự tham gia của các bên buộc tội (công tố viên, người bị hại), bên người bị buộc tội, người bào chữa (nếu có) và các chủ thể khác (nếu có) dưới sự điều khiển của thẩm phán, sự giám sát của hội đồng xét xử, ba chức năng buộc tội – bào chữa – xét xử đều được thực hiện công khai. Còn các giai đoạn trước khi mở phiên tòa xét xử được xem là giai đoạn để các bên tiến hành một số hoạt động chuẩn bị cho việc tranh tụng tại phiên toà. Vì vậy, trong loại hình tố tụng này, chức năng giám sát việc tuân theo pháp luật thuộc về toà án. Với tư cách là trung tâm của cơ quan tư pháp, của hoạt động tố tụng, toà án có quyền và trách nhiệm bảo đảm cho các bên nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật. Mặc dù loại hình này có nhiều ưu điểm nhưng vẫn bị phê phán là việc con người bị phán xét như thế nào dường như quan trọng hơn việc xác định xem bị cáo đã làm gì trên thực tế.
Loại hình tố tụng này xuất hiện đầu tiên tại Anh, sau đó nó được phát triển ở các nước thuộc địa của Anh và cho đến nay vẫn tiếp tục được sử dụng rộng rãi ở Mỹ, Canada và nhiều nước trên thế giới.
Tố tụng hỗn hợp
Như chúng ta đã biếtN, các loại hình tố tụng nói trên đều có những ưu điểm và khiếm khuyết. Vì vậy, quá trình tiếp thu các loại hình tố tụng này của các nước cần có sự lựa chọn nhất định. Tất nhiên là các nước sẽ lựa chọn những ưu điểm của các loại hình nhưng phải phù hợp với điều kiện cụ thể của từng quốc gia. Thậm chí, cùng một hình thức tố tụng và cùng một truyền thống pháp luật nhưng mỗi quốc gia có sự vận dụng khác nhau. Đây chính là một trong những nguyên nhân ra đời hình thức tố tụng hỗn hợp.
Tuy nhiên, xét về mặt lịch sử thì tố tụng hỗn hợp lần đầu tiên xuất hiện trong truyền thống pháp luật Hồi giáo, đó là sự hỗn hợp giữa tố tụng thẩm vấn và tố tụng tranh tụng. Truyền thống luật Hồi giáo dựa trên cơ sở thần thánh nên nó không phát triển thông qua quá trình pháp điển hóa hay tiền lệ pháp. Hơn nữa, pháp luật Hồi giáo không đòi hỏi các hoạt động tố tụng phải tập trung vào một hay nhiều cơ quan. Việc xác định luật tố tụng Hồi giáo là việc làm không dễ dàng vì nó phụ thuộc hoàn toàn vào sự sáng tạo của Nhà nước. Nhờ sự sáng tạo này mà luật TTHS Hồi giáo có đặc trưng của cả loại hình tố tụng xét hỏi và tố tụng tranh tụng. Loại hình tố tụng xét hỏi chiếm phần cơ bản hơn vì không có sự tách biệt giữa thẩm phán và điều tra viên. Mặt khác, vai trò của người bào chữa không đến mức đối trọng như một bên đại diện cho các chứng cứ đảm bảo chống lại sự kết tội không đúng hoặc để giám sát phán quyết của tòa án. Trong khi đó, một số quy định của loại hình tranh tụng lại được áp dụng như quyền phản đối sự buộc tội, quyền im lặng và nguyên tắc suy đoán vô tội.
Cùng với sự phát triển cuả lịch sử, loại hình tố tụng hỗn hợp đã có những cải tiến theo hướng dân chủ, tích cực và được phát triển mạnh mẽ ở nhiều nước thuộc truyền thống luật lục địa như Đức, áo, ý, Bỉ. Thực chất, tố tụng hỗn hợp là loại hình hỗn hợp giữa tố tụng xét hỏi, tố tụng tranh tụng và cả một chút của tố tụng tố cáo. ở giai đoạn trước xét xử, các hoạt động tố tụng phần nhiều được tiến hành bí mật, hạn chế sự tham gia của những người tham gia tố tụng. Mọi hoạt động đều được ghi thành văn bản, người bị buộc tội hầu như bị tách khỏi quá trình tố tụng Tuy nhiên, ở giai đoạn xét xử, phiên tòa được tiến hành công khai, quyền bình đẳng trước phiên tòa và quyền bào chữa của người bị buộc tội được đảm bảo, bên buộc tội và bên bị buộc tội có quyền và nghĩa vụ như nhau trong việc đưa ra các chứng cứ và các yêu cầu. Lúc này, tòa án đóng vai trò là người trọng tài bảo đảm cho các bên thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.