Bàn về quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án hành chính

Bài viết xây dựng khái niệm và nêu bật các đặc điểm cơ bản của đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án hành chính (VAHC). Trên cơ sở trình bày quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 (Luật TTHC) về đình chỉ xét xử phúc thẩm VAHC tại Điều 229, tác giả đã chỉ ra một số hạn chế bất cập trong quy định của Luật TTHC và đề xuất một số giải pháp pháp lý cụ thể nhằm khắc phục các hạn chế đó.

1. Đặt vấn đề Quá trình giải quyết phúc thẩm VAHC trải qua các trình tự, thủ tục khác nhau từ thụ lý phúc thẩm, chuẩn bị xét xử phúc thẩm cho đến xét xử phúc thẩm. Mỗi trình tự, thủ tục tuy có những nhiệm vụ, quyền hạn khác nhau nhưng cùng hướng đến mục đích làm rõ tính có căn cứ, tính hợp pháp của bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị và đưa ra quyết định chính thức về “số phận pháp lý” của bản án, quyết định sơ thẩm đó. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc giải quyết phúc thẩm vụ án cũng diễn ra xuyên suốt, liền mạch mà khi xuất hiện một số căn cứ luật định như người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo, Viện kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị, … thì Tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ xét xử, chấm dứt giải quyết vụ án theo trình tự phúc thẩm, quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong bản án, quyết định sơ thẩm được tôn trọng và có hiệu lực thi hành. Như vậy, bản chất chủ đạo của đình chỉ xét xử phúc thẩm là làm chấm dứt quá trình giải quyết phúc thẩm VAHC. Với bản chất này chúng ta thấy, nếu Tòa án đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án không đúng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, làm cho nội dung kháng cáo của họ không được tiếp tục xem xét. Chính vì lẽ đó, việc nghiên cứu toàn diện về “đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ VAHC” là rất cần thiết và có ý nghĩa.

2.Khái niệm và đặc điểm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án hành chính

Khái niệm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án hành chính

Tiếp cận khái niệm đình chỉ xét xử phúc thẩm VAHC ở các góc độ khác nhau. Ở góc độ ngôn ngữ học, theo Từ điển Tiếng việt thì “đình chỉ” là “ngừng lại hoặc làm cho phải ngừng lại vĩnh viễn”[1] còn “xét xử” là “hoạt động đặc trưng, là chức năng, nhiệm vụ của Tòa án, xét xử là xem xét và xử các vụ án”[2], “phúc thẩm” được hiểu là “việc Tòa án cấp trên xét xử trực tiếp xét xử lại một vụ án do cấp dưới đã xử sơ thẩm mà có chống án”[3]. Từ việc xâu kết các thuật ngữ đó, ta có thể tạm hiểu: “đình chỉ xét xử phúc thẩm VAHC là hành vi tố tụng của Tòa án cấp phúc thẩm sau khi thụ lý vụ án, phát hiện có những căn cứ luật định đã ra quyết định chấm dứt việc giải quyết vụ án theo trình tự phúc thẩm, quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong bản án, quyết định sơ thẩm được tôn trọng và có hiệu lực thi hành”.

Đặc điểm của đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án hành chính

Thông qua khái niệm ở trên, chúng ta thấy đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án hành chính có những đặc điểm cơ bản sau:

Thứ nhất, đình chỉ xét xử phúc thẩm VAHC chỉ được Tòa án cấp phúc thẩm ban hành sau khi thụ lý xét xử phúc thẩm.

Thứ hai, đình chỉ xét xử phúc thẩm VAHC phải dựa trên những căn cứ mà pháp luật quy định, trên cơ sở đảm bảo quyền, nghĩa vụ tố tụng cho các đương sự, bảo đảm sự chính xác, đúng đắn trong giải quyết phúc thẩm vụ án.

Thứ ba, đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án hành chính làm chấm dứt việc giải quyết phúc thẩm. Nếu đình chỉ xét xử phúc thẩm toàn bộ thì sẽ làm chấm dứt toàn bộ việc giải quyết phúc thẩm vụ án, bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị sẽ phát sinh hiệu lực pháp luật, quyền, nghĩa vụ của đương sự trong bản án, quyết định sơ thẩm được tôn trọng và tổ chức thi hành. Đặc điểm này cũng là căn cứ phân biệt giữa đình chỉ xét xử phúc thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án trong giai đoạn phúc thẩm. Việc đình chỉ giải quyết vụ án trong giai đoạn phúc thẩm làm chấm dứt quá toàn bộ trình tố tụng và cả hiệu lực của bản án sơ thẩm, kết quá của quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn sơ thẩm sẽ không được công nhận.

3.Quy định của Luật Tố tụng hành chính

Hiện nay, Luật TTHC quy định về căn cứ, thẩm quyền, hậu quả của đình chỉ xét xử phúc thẩm VAHC tản mạn tại nhiều điều khoản khác nhau như khoản 3 Điều 218, khoản 2 Điều 225, Điều 229, khoản 5 Điều 241 song tập trung và chính thức nhất là tại Điều 229. Dưới đây là các nội dung do Luật TTHC quy định:

Về căn cứ đình chỉ xét xử phúc thẩm VAHC, khoản 1 Điều 229 Luật TTHC quy định: Tòa án cấp phúc thẩm sẽ đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án khi xuất hiện một trong các trường hợp sau:

a) Trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 143 của Luật này;

b) Trường hợp trả lại đơn kháng cáo theo quy định của Luật này mà Tòa án cấp phúc thẩm đã thụ lý hồ sơ vụ án;

c) Người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo hoặc Viện kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị;

d) Người kháng cáo đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp họ đề nghị xét xử vắng mặt hoặc trường hợp có sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan.

đ) Các trường hợp khác mà pháp luật có quy định.

Về thẩm quyền ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm VAHC: Luật TTHC không quy định thẩm quyền đình chỉ xét xử phúc thẩm cho tất cả các căn cứ nêu ở khoản 1 Điều 229 mà chỉ quy định cho trường hợp đình chỉ tại điểm c khoản 1 Điều 229. Theo đó, khoản 2 Điều 229 Luật TTHC quy định “trong trường hợp người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo hoặc Viện kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị trước khi Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm thì Thẩm phán được phân công làm Chủ tọa phiên tòa ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm; trong trường hợp người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo, Viện kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị sau khi Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm thì Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm”. Việc xác định thẩm quyền đình chỉ xét xử phúc thẩm này cũng được đề cập tại khoản 3 Điều 218 Luật TTHC “việc đình chỉ xét xử phúc thẩm trước khi mở phiên tòa do Thẩm phán chủ tọa phiên tòa quyết định, tại phiên tòa do Hội đồng xét xử quyết định”.

Ngoài ra, khoản 3 Điều 229 cũng xác định thẩm quyền đình chỉ xét xử phúc thẩm một phần vụ án thuộc về Hội đồng xét xử phúc thẩm: trường hợp người kháng cáo rút một phần kháng cáo hoặc Viện kiểm sát rút một phần kháng nghị thì Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định về việc người kháng cáo rút một phần kháng cáo, Viện kiểm sát rút một phần kháng nghị và quyết định đình chỉ xét xử phần kháng cáo, kháng nghị đó trong bản án phúc thẩm.

Về hậu quả của đình chỉ xét xử phúc thẩm VAHC: Luật TTHC không quy định cụ thể, duy chỉ khoản 2 Điều 229 và khoản 5 Điều 241 khẳng định “bản án, quyết định sơ thẩm phát sinh hiệu lực pháp luật”. Cùng với đó, khoản 5 Điều 229 quy định “quyết định đình chỉ phải được gửi ngay cho đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp”.

4.Một số bất cập và kiến nghị

Thứ nhất, quy định về căn cứ đình chỉ xét xử phúc thẩm còn hạn chế, bất cập, thiếu logic

Một là, thiết kế giữa các điểm của khoản 1 Điều 229 và khoản 3 Điều 229 Luật TTHC chưa cân đối, thiếu logic

Bất cập này liên quan đến thiết kế, bố trí các điểm trong khoản 1 Điều 229 Luật TTHC. Theo đó, trong khi khoản 2 Điều 229 Luật TTHC luận giải cho căn cứ đình chỉ xét xử phúc thẩm tại điểm c khoản 1 Điều 229 “người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo hoặc Viện kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị” thì bản thân khoản 3 Điều 229 đưa nội dung về “trường hợp người kháng cáo rút một phần kháng cáo hoặc Viện kiểm sát rút một phần kháng nghị” lại không có điểm tương xứng nêu ở các điểm tại khoản 1 Điều 229. Chính vì điểm thiếu sót bất cân xứng này đã cho chúng ta thấy khoản 3 có phần “lạc lõng” không hài hòa, kết nối với các điểm ở khoản 1, làm cho việc nghiên cứu khoản 3 Điều 229 có phần “hẫng hụt” trong tư duy logic vấn đề. Chính vì vậy dưới phương diện về tư duy kỹ thuật xây dựng pháp luật, tác giả cho rằng, dù đây không phải là hạn chế quá lớn của Luật TTHC nhưng cũng cần phải cân chỉnh cho phù hợp, bảo đảm quy định căn cứ đình chỉ xét xử phúc thẩm có sự tập trung, logic và phải dễ hiểu, dễ nghiên cứu và áp dụng.

Tác giả kiến nghị, khi sửa đổi Luật TTHC trong thời gian sắp tới thì cần bổ sung thêm một điểm nữa tại khoản 1 Điều 229 và điểm đó nên có nội dung là “người kháng cáo rút một phần kháng cáo hoặc Viện kiểm sát rút một phần kháng nghị”. Xây dựng điểm này trong khoản 1 Điều 229 Luật TTHC sẽ rất hợp lý và liên kết với khoản 3 Điều 229 Luật TTHC. Thực chất đây là kiến nghị có sự tham chiếu, tiếp thu từ quy định rất logic, dễ hiệu của BLTTDS năm 2015 về đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án dân sự tại điểm c khoản 1 Điều 289 với khoản 3 Điều 289 BLTTDS năm 2015.

Hai là, căn cứ đình chỉ xét xử phúc thẩm “người kháng cáo được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt tại phiên tòa phúc thẩm” tại điểm d khoản 1 Điều 229, khoản 5 Điều 241 Luật TTHC còn hạn chế, thiếu chính xác

Trên thực tế, căn cứ đình chỉ xét xử phúc thẩm liên quan đến trường hợp “người kháng cáo được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt tại phiên tòa phúc thẩm” được tổng kết là một trong những căn cứ đình chỉ xét xử phúc thẩm phổ biến nhất so với các căn cứ khác[4]. Tuy nhiên về mặt lý luận lẫn thực tiễn, căn cứ này còn một số hạn chế cần được nhìn nhận, xem xét lại.

Quy định tại điểm d khoản 1 Điều 229 Luật TTHC chưa bao quát hết các trường hợp loại trừ. Theo đó, Tòa án sẽ đình chỉ xét xử phúc thẩm khi “người kháng cáo được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp họ đề nghị xét xử vắng mặt hoặc trường hợp có sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan”. Quan sát điểm này, chúng ta nhận thấy khi người kháng cáo triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt nhưng có đơn xin xét xử vắng mặt hoặc vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng, hoặc vắng mặt vì trở ngại khách quan thì Tòa án không thể đình chỉ xét xử phúc thẩm. Từ đây có thể suy ra, Tòa án cấp phúc thẩm sẽ đình chỉ xét xử phúc thẩm ngay cả trong trường hợp “người kháng cáo được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vắng mặt nhưng có người đại diện hợp pháp tham gia phiên tòa”. Thiết nghĩ, việc đình chỉ xét xử phúc thẩm trong trường hợp này không phù hợp, thiếu khả thi, cản trở nghiêm trọng quyền tham gia tố tụng của người kháng cáo. Bởi lẽ, người kháng cáo được quyền ủy quyền cho người đại diện hợp pháp tham gia phiên tòa, thay mình thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng, pháp luật không cấm đoán người đại diện thay mặt tham gia tố tụng tại phiên tòa phúc thẩm[5]. Chính vì vậy, việc đình chỉ tại điểm d nêu trên là chưa thực sự toàn diện chưa bảo đảm triệt để quyền tham gia phiên tòa cho người kháng cáo khi họ có người đại diện tham gia phiên tòa.

Quy định tại điểm d khoản 1 Điều 229 với khoản 5 Điều 241 Luật TTHC còn chưa tương thích, có nội dung bất nhất với nhau. Bởi lẽ, cả hai điểm khoản này cùng đề cập về cách thức xử lý hậu qủa của việc người kháng cáo vắng mặt tại phiên tòa khi được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai nhưng mỗi điều khoản lại có quy định khác nhau đáng kể khi đề cập đến các trường hợp loại trừ không đình chỉ xét xử phúc thẩm khi người kháng cáo vắng mặt. Cụ thể, trong khi điểm d khoản 1 Điều 229 quy định: Tòa án phúc thẩm ban hành quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm nếu người kháng cáo vẫn vắng mặt khi được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, việc vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan, không có đơn xin xét xử vắng mặt[6] thì khoản 5 Điều 241 Luật TTHC lại quy định: “Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm nếu việc xét xử phúc thẩm cần phải có mặt người kháng cáo và họ đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trường hợp này bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật”. So với điểm d khoản 1 Điều 229, khoản 5 Điều 241 Luật TTHC có phần xiết chặt hơn đối với các phần loại trừ không đình chỉ. Nghĩa là, khoản 5 Điều 241 quy định Hội đồng xét xử phúc thẩm đình chỉ ngay cả trường hợp người kháng cáo vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan, có người đại diện hợp pháp tham gia. Chúng tôi cho rằng: căn cứ đình chỉ xét xử phúc thẩm tại khoản 5 Điều 241 vừa không tương thích với điểm d khoản 1 Điều 229 Luật TTHC lại vừa thiếu tính toàn diện, tạo ra tính nghiêm ngặt quá mức cần thiết không phù hợp với thực tiễn, đã cản trở nghiêm trọng đến quyền tham gia phiên tòa của người kháng cáo.

Ngoài ra, quan sát hai điều khoản tác giả còn nhận thấy: nếu đình chỉ xét xử phúc thẩm theo căn cứ tại điểm d khoản 1 Điều 229 thì bản thân Luật TTHC không đề cập về hiệu lực của bản án sơ thẩm nhưng nếu đình chỉ xét xử phúc thẩm theo căn cứ tại khoản 5 Điều 241 thì luật lại nhấn mạnh “bản án sơ thẩm phát sinh hiệu lực pháp luật”. Đây là sự khác biệt giữa khoản 5 Điều 241 và điểm d khoản 1 Điều 229 Luật TTHC song thực chất điểm khác này của khoản 5 Điều 241 lại thể hiện lối tư duy không chính xác, thiếu hợp lý. Bởi lẽ, việc khẳng định bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật khi Tòa án đình chỉ xét xử phúc thẩm ở căn cứ “vụ án cần phải có mặt người kháng cáo và họ đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt” chỉ đúng trong trường hợp có một đương sự kháng cáo chứ không đúng trong trường hợp có nhiều đương sự kháng cáo hoặc có sự kháng nghị của Viện kiểm sát. Ở trường hợp, có các kháng cáo khác của các đương sự khác mà họ có mặt tại phiên tòa hoặc có kháng nghị của Viện kiểm sát thì bản án sơ thẩm chưa thể phát sinh hiệu lực pháp luật vì vẫn là đối tượng đang bị kháng cáo, kháng nghị cần phải được xét xử lại của Tòa án cấp phúc thẩm. Do vậy, việc khẳng định bản án sơ thẩm có hiệu lực tại khoản 5 là không chính xác, vi phạm tính chất của thủ tục phúc thẩm, hậu quả của kháng cáo, kháng nghị tại Điều 215 Luật TTHC.

Đề xuất khắc phục các hạn chế trên, tác giả xin đưa giải pháp như sau:

Bổ sung thêm trường hợp loại trừ không đình chỉ xét xử phúc thẩm khi người kháng cáo vắng mặt tại phiên tòa mà có người đại diện tham gia phiên tòa vào điểm d khoản 1 Điều 229. Theo đó, điểm d khoản 1 Điều 229 Luật TTHC cần phải sửa lại như sau: “người kháng cáo được triệu lập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt hoặc trường hợp có sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan hoặc có người đại diện hợp pháp tham gia phiên tòa”. Thiết nghĩ, đề xuất này của tác giả vừa khắc phục được tính thiếu tính toàn diện của điểm d khoản 1 Điều 229 vừa bảo đảm quyền tham gia tố tụng của người kháng cáo ở góc độ cần thiết và khả thi.

Kiến nghị về khoản 5 Điều 241 Luật TTHC. Xuất phát từ những hạn chế, bất cập đã trình bày ở trên, tác giả đề xuất sửa khoản 5 như sau: Hội đồng xét xử phúc thẩm sẽ đình chỉ xét xử phúc thẩm nếu việc xét xử phúc thẩm vụ án cần phải có mặt người kháng cáo và họ đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan hoặc có người đại diện tham gia phiên tòa. Trong trường hợp vụ án không có người kháng cáo khác, không có Viện kiểm sát kháng nghị thì bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày Hội đồng xét xử ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm”. Đề xuất này đã khắc phục được tất cả các nhược điểm đã nêu, bảo đảm quyền tham gia tố tụng của người kháng cáo, bảo đảm việc áp dụng pháp luật được thống nhất.

Tựu chung lại, thông qua các đề xuất trên, tác giả tóm lược lại các căn cứ đình chỉ xét xử phúc thẩm tại khoản 1 Điều 229 Luật TTHC như sau:

Trường hợp trả lại đơn kháng cáo theo quy định của Luật này mà Tòa án cấp phúc thẩm đã thụ lý hồ sơ vụ án.
Người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo hoặc Viện kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị.
Người kháng cáo rút một phần kháng cáo hoặc Viện kiểm sát rút một phần kháng nghị.
Người kháng cáo được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp họ đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt hoặc trường hợp có sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan hoặc có người đại diện hợp pháp tham gia phiên tòa.
Các trường hợp khác mà pháp luật có quy định
Thứ hai, Luật Tố tụng hành chính chưa quy định cụ thể về thời điểm phát sinh hiệu lực pháp luật của bản án, quyết định sơ thẩm khi Tòa án cấp phúc thẩm đình chỉ xét xử phúc thẩm

Về mặt lý luận, bản chất của đình chỉ xét xử phúc thẩm VAHC là làm chấm dứt việc giải quyết vụ án theo thủ tục phúc thẩm và bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật. Thế nhưng, hiện tại Luật TTHC chỉ quy định về thời điểm phát sinh hiệu lực của bản án, quyết định sơ thẩm khi đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án trong trường hợp người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo, Viện kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị tại khoản 2 Điều 229 Luật TTHC “trong các trường hợp này, bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật từ ngày Toà án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm” còn trong trường đình chỉ xét xử phúc thẩm VAHC theo khoản 5 Điều 241 Luật TTHC lại chưa quy định rõ. Bên cạnh đó, đối với các trường hợp đình chỉ xét xử phúc thẩm toàn bộ vụ án tại điểm a, b, d khoản 1 Điều 229, Luật TTHC cũng chưa quy định về thời điểm phát sinh hiệu lực của bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị. Do vậy, trong nhiều trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm gặp phải lúng túng trong việc xác định thời điểm phát sinh hiệu lực pháp lý của bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị trên thực tế.

Đề xuất khắc phục các hạn chế trên, tác giả đề xuất hai giải pháp sau đây:

Cần sửa lại tiêu đề của khoản 1 Điều 229 Luật TTHC từ “Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án trong các trường hợp sau đây” thành “Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm một phần hoặc toàn bộ vụ án trong các trường hợp sau đây”. Thiết nghĩ đây là kiến nghị rất hợp lý, làm rõ phạm vi đình chỉ xét xử phúc thẩm trong từng căn cứ đình chỉ, tùy thuộc vào điều kiện phát sinh thủ tục phúc thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm có đình chỉ một phần hoặc toàn bộ vụ án.
Nối tiếp với giải pháp trên, tác giả đề xuất Điều 229 cần bổ sung thêm khoản quy định như sau: “Khi Tòa án ra quyết định đình chỉ xét xử toàn bộ vụ án, bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm”. Đồng thời, khoản 5 Điều 229 cũng cần cân chỉnh lại theo hướng này (tác giả đã kiến nghị ở trên), đảm bảo việc vận dụng thi hành pháp luật thống nhất, rõ ràng.
Mặt khác, để tránh việc rườm rà, khó hiểu của khoản 2 Điều 229 Luật TTHC, tác giả đề xuất sửa đoạn cuối của khoản 2 từ “trong các trường hợp này, bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật từ ngày Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm” thành “trong trường hợp này, bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật từ ngày Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm”. Thực chất, đây là đoạn khó hiểu nhất của khoản 2, nhất là cụm từ “trong các trường hợp này” không phù hợp về tư duy của nội dung khoản 2 – nội dung chỉ đề cập đến trường hợp người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo, Viện kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị tại khoản 2 Điều 229 Luật TTHC.

Thứ ba, Luật Tố tụng hành chính quy định về thẩm quyền đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án hành chính còn thiếu thống nhất, chưa rõ ràng, toàn diện

Luật TTHC quy định về đình chỉ xét xử phúc thẩm ở khá nhiều điều, khoản như Điều 229, khoản 3 Điều 218, khoản 1 Điều 221, khoản 2 Điều 225, khoản 5 Điều 241 song vẫn chưa có điều khoản tập trung chính thức nhất quy định về thẩm quyền đình chỉ xét xử phúc thẩm cho tất cả các trường hợp đình chỉ xét xử phúc thẩm VAHC. Khoản 3 Điều 218, khoản 2 Điều 229 Luật TTHC quy định về thẩm quyền đình chỉ xét xử phúc thẩm cho các trường hợp rút kháng cáo, kháng nghị một phần hoặc toàn bộ; khoản 2 Điều 225, khoản 5 Điều 241 quy định về thẩm quyền đình chỉ xét xử phúc thẩm trong trường hợp người kháng cáo được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt. Theo đó, thẩm quyền đình chỉ xét xử phúc thẩm các trường hợp còn lại tại điểm a, b, c, d khoản 1 Điều 229 Luật TTHC đều được suy luận tương tự từ các điều khoản này mà không có căn cứ pháp lý cụ thể, chính xác. Tác giả cho rằng đây là điểm thiếu sót đáng quan tâm của Luật TTHC.

Không chỉ dừng lại ở đó, quy định về thẩm quyền đình chỉ xét xử phúc thẩm VAHC trong trường hợp người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo, Viện kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị tại khoản 2 Điều 229 và khoản 3 Điều 218 cũng thiếu thống nhất, không chuẩn chỉnh trong việc xác định thời điểm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm, tạo ra cách hiểu và áp dụng pháp luật khác nhau trong thực tế. Bởi lẽ:

Trong khi, khoản 3 Điều 218 Luật TTHC quy định nếu người kháng cáo rút kháng cáo, Viện kiểm sát rút kháng nghị (bao gồm cả rút một phần hoặc rút toàn bộ kháng cáo, kháng nghị) thì thẩm quyền đình chỉ xét xử phúc thẩm được áp dụng theo nguyên tắc sau “việc đình chỉ xét xử phúc thẩm trước khi mở phiên tòa do Thẩm phán chủ tọa phiên tòa quyết định, tại phiên tòa do Hội đồng xét xử quyết định”. Theo điều khoản này, thời điểm phân định thẩm quyền ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm giữa thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa và Hội đồng xét xử phúc thẩm là trước khi mở phiên tòa phúc thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm. Trước khi mở phiên tòa phúc thẩm có thể hiểu là từ khi Tòa án phúc thẩm thụ lý vụ án cho đến trước khi phiên tòa phúc thẩm bắt đầu.

Có phần khác, khoản 2 Điều 229 Luật TTHC lại quy định thẩm quyền đình chỉ xét xử phúc thẩm trong trường rút toàn bộ kháng cáo, kháng nghị như sau: “trường hợp người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo hoặc Viện kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị trước khi Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm thì Thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên tòa ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm, trong trường hợp người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo, Viện kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị sau khi Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đưa vụ án ra xét xử thì Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm”. Trong căn cứ này, thời điểm phân định thẩm quyền giữa hai chủ thể thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên tòa và Hội đồng xét xử phúc thẩm lại là thời điểm “ra quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm”.

Như vậy, về cùng một căn cứ đình chỉ xét xử phúc thẩm “người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo, Viện kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị” mà cả khoản 3 Điều 218 và khoản 2 Điều 229 đều có quy định chưa thống nhất về thời điểm, thẩm quyền ra quyết định đình đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án hành chính. Điều này sẽ gây lúng túng cho Tòa án khi đình chỉ theo căn cứ nêu trên.

Đề xuất khắc phục: Luật TTHC cần bổ sung điều khoản độc lập quy định về thẩm quyền đình chỉ xét xử phúc thẩm tại Điều 229 như sau “Việc đình chỉ xét xử phúc thẩm toàn bộ vụ án trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm do Thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên tòa ra quyết định, từ khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm do Hội đồng xét xử ra quyết định”. Viêc đình chỉ xét xử phúc thẩm một phần vụ án do Hội đồng xét xử quyết định trong bản án.

Thứ tư, Luật Tố tụng hành chính chưa quy định rõ về hình thức đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án hành chính

Dù Luật TTHC không chính thức quy định về hình thức đình chỉ xét xử phúc thẩm VAHC tại Điều 229 nhưng khi căn cứ vào các biểu mẫu dùng trong TTHC và các quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm trên thực tiễn, chúng ta thấy rằng Tòa án cấp phúc thẩm sẽ đình chỉ xét xử ở hai hình thức: 1/ Đình chỉ xét xử trong phần quyết định của bản án phúc thẩm đối với trường hợp đình chỉ xét xử phúc thẩm một phần vụ án; 2/ Đình chỉ xét xử phúc thẩm toàn bộ vụ án hành chính bằng một quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm độc lập[7]. Tuy nhiên, ngoài khoản 3 Điều 229, Luật Tố tụng hành chính hiện hành vẫn chưa có quy định rõ ràng nhất trong trường hợp nào thì Tòa án ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm, trường hợp nào đình chỉ xét xử một phần vụ án trong bản án phúc thẩm. Điều này thật sự gây khó khăn, lúng túng đáng kể cho Tòa án, tạo ra nhiều cách diễn giải pháp luật không thống nhất, việc lựa chọn hình thức đình chỉ của các Tòa án sẽ gặp những trở ngại nhất định.

Đề xuất khắc phục: Luật TTHC cần sớm bổ sung quy định về hình thức đình chỉ xét xử phúc thẩm VAHC: “Trường hợp đình chỉ xét xử toàn bộ vụ án thì Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm độc lập; trong trường hợp đình chỉ xét xử phúc thẩm một phần vụ án thì quyết định đình chỉ xét xử một phần trong phần quyết định của bản án phúc thẩm”. Quy định này nhằm xác định cơ sở pháp lý rõ ràng, thống nhất cho tất cả các trường hợp, giúp Tòa án thuận lợi và chính xác trong việc áp dụng hình thức phù hợp để đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án.

Thứ năm, Luật Tố tụng hành chính chưa có điều khoản đề cập về hiệu lực pháp luật của quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án hành chính

Trong quá trình giải quyết phúc thẩm VAHC, Tòa án cấp phúc thẩm có thể ban hành các quyết định như quyết định tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm, quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm, quyết định hủy bản án sơ thẩm đình chỉ giải quyết vụ án và các quyết định phúc thẩm khi giải quyết kháng cáo, kháng nghị các quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm tại khoản 5 Điều 243 Luật TTHC. Đây được coi là các quyết định quan trọng của Tòa án cấp phúc thẩm, chúng chỉ được ban hành theo các căn cứ do pháp luật quy định. Vậy hiệu lực của các quyết định này được xác định như thế nào? Nếu dựa theo nguyên tắc chung tại khoản 1 Điều 11 Luật TTHC thì các quyết định đó sẽ có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, trong khi Luật TTHC khẳng định: quyết định tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm, quyết định giải quyết kháng cáo, kháng nghị về quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định thì Luật TTHC lại không có bất cứ điều khoản nào đề cập đến hiệu lực pháp lý của quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm. Điểm này cho thấy sự thiếu tương thích với nguyên tắc chung của Luật TTHC tại Điều 11. Mặt khác, hạn chế này cũng gây khó khăn, lúng túng cho các Tòa án trong trường hợp xác định hiệu lực pháp lý của quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm, tạo ra sự thiếu thống nhất trong việc vận dụng thi hành pháp luật[8]. Như vậy có thể khẳng định, việc không đề cập đến hiệu lực của quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm của Luật TTHC là một bất cập, khiếm khuyết cần phải nhìn nhận, đánh giá lại.

Đề xuất khắc phục: Tác giả kiến nghị bổ sung tại khoản 5 Điều 229 Luật TTHC như sau:“Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án có hiệu lực thi hành ngay và phải được gửi ngay cho đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp”. Thiết nghĩ, đây là giải pháp hoàn toàn hợp lý, vừa phù hợp với nguyên tắc tại Điều 11 Luật TTHC vừa tương thích với khoản 4 Điều 289 Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015: “Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án có hiệu lực thi hành ngay và phải được gửi ngay cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện, Viện kiểm sát cùng cấp”. Chỉ khi xác định hiệu lực pháp lý của quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm thì các đương sự, cá nhân, cơ quan tổ chức mới xác định được trách nhiệm tôn trọng và thi hành chúng. Điều này bảo đảm việc áp dụng pháp luật được thống nhất.

5. Kết thúc vấn đề

Đình chỉ xét xử phúc thẩm VAHC là một nội dung tuy khá hẹp của Luật TTHC nhưng lại là nội dung không thể thiếu và rất quan trọng của giai đoạn phúc thẩm. Chính vì thế, trên cơ nghiên cứu chuyên sâu về mặt lý luận cũng như thực tiễn, bài viết đã nêu bật một số hạn chế, bất cập trong quy định của Luật TTHC về đình chỉ xét xử phúc thẩm VAHC và đề xuất các giải pháp cụ thể để khắc phục. Điều này sẽ giúp cho các Tòa án vận dụng thi hành pháp luật được chính xác, thống nhất, đặc biệt giúp Tòa án thuận tiện, minh bạch hơn khi ban hành quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm VAHC, góp phần bảo đảm uy tín cũng như năng lực của Tòa án trước nhân dân.

Ths LÊ THỊ MƠ (Giảng viên Khoa Luật Hành chính – Nhà nước Đại học Luật TP Hồ Chí Minh) 

Bài viết cùng chuyên mục

Tham khảo thêm

Thủ tục khiếu nại tố cáo

Thủ tục khiếu nại tố cáo theo quy định của pháp luật Việt Nam bao gồm các bước sau: Giải quyết khiếu nại lần đầu:

Facebook
Twitter
LinkedIn
Pinterest
Tumblr

THÔNG TIN LIÊN HỆ

CÔNG TY LUẬT VIỆT PHÚ