Công ty Luật TNHH Việt Phú xin gửi tới quý khách hàng lời chào trân trọng và cảm ơn quý khách đã tin tưởng vào dịch vụ do chúng tôi cung cấp. Vấn đề bạn đang vướng mắc chúng tôi xin được tư vấn như sau
Cơ sở pháp lý:
Luật Doanh nghiệp năm 2020
Nội dung trả lời:
Trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay việc xác định loại hình doanh nghiệp nào là phổ biến nhất là một câu hỏi khó có thể trả lời chính xác được do sự đa dạng về các loại hình doanh nghiệp cũng như các ngành nghề kinh doanh. Tuy nhiên, theo Luật doanh nghiệp Việt Nam 2020 thì có 4 loại hình doanh nghiệp phổ biến nhất hiện nay là: công ty TNHH một thành viên, công ty TNHH hai thành viên trở lên, Doanh Nghiệp tư nhân và công ty cổ phần. Luật doanh nghiệp Việt Nam 2020 cũng quy định rõ tính chất, trách nhiệm, cơ chế hoạt động, cơ cấu tổ chức… của từng loại hình khác nhau. Dưới đây Luật Việt Phú xin giới thiệu một số thông tin về loại các loại hình doanh nghiệp trên, hy vọng quý khách hàng có thể phần nào hiểu được bản chất của từng loại hình doanh nghiệp và đưa ra các quyết định, lựa chọn cho mình.
Mục lục
1. CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN (TNHH)
1.1 CÔNG TY TNHH MỘT THÀNH VIÊN: (quy định tại mục 2 chương III luật doanh nghiệp 2020)
Điều 74 luật doanh nghiệp 2020 quy định:
Điều 74. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
1. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty). Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.
2. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
3. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên không được phát hành cổ phần, trừ trường hợp để chuyển đổi thành công ty cổ phần.
4. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được phát hành trái phiếu theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; việc phát hành trái phiếu riêng lẻ theo quy định tại Điều 128 và Điều 129 của Luật này.
Đây là loại hình khá phổ biến ở Việt Nam nhờ cơ cấu tổ chức gọn nhẹ, đơn giản phù hợp với một tổ chức muốn thành lập 1 công ty con, hoặc cá nhân có đủ năng lực tài chính thành lập công ty riêng cho mình; Loại hình này phổ biến với rất nhiều ngành nghề kinh doanh. Lợi thế của công ty TNHH một thành viên là chủ sở hữu công ty có toàn quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến hoạt động của công ty nên các quyết định được đưa ra nhanh chóng và kịp thời, không mất nhiều thời gian để thảo luận và đưa ra quyết định về các vấn đề quan trọng như ở loại hình công ty TNHH hai thành viên trở lên và công ty cổ phần. Do có tư cách pháp nhân nên chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên chỉ chịu trách nhiệm về các hoạt động của công ty trong phạm vi số vốn góp vào công ty nên ít gây rủi ro cho chủ sở hữu và đây là điểm hơn hẳn DNTN.
1.2. CÔNG TY TNHH HAI THÀNH VIÊN TRỞ LÊN: (Quy định tại Mục 1 chương III luật doanh nghiệp 2020)
Điều 46 luật doanh nghiệp 2020 quy định:
Điều 46. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên
1. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp có từ 02 đến 50 thành viên là tổ chức, cá nhân. Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 47 của Luật này. Phần vốn góp của thành viên chỉ được chuyển nhượng theo quy định tại các điều 51, 52 và 53 của Luật này.
2. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
3. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên không được phát hành cổ phần, trừ trường hợp để chuyển đổi thành công ty cổ phần.
4. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên được phát hành trái phiếu theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; việc phát hành trái phiếu riêng lẻ phải tuân thủ quy định tại Điều 128 và Điều 129 của Luật này.
Căn cứ theo Luật doanh nghiệp 2020, thành viên công ty TNHH 2 thành viên trở lên có thể là tổ chức hoặc cá nhân. Số lượng thành viên tối thiểu là 2 người và tối đa không quá 50 người.
Công ty chịu trách nhiệm hữu hạn. Các thành viên trong công ty sẽ phải chịu các khoản nợ và nghĩa vụ của công ty trong phạm vi số vốn mình đã góp.
Công ty trách nhiệm hữu hạn có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Tuy nhiên, công ty trách nhiệm hữu hạn không được quyền phát hành cổ phiếu để huy động vốn.
Đây là loại hình doanh nghiệp rất phổ biến ở Việt Nam hiện nay, phù hợp với mọi quy mô, lĩnh vực kinh doanh.
Do có tư cách pháp nhân nên các thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn chỉ có trách nhiệm về các hoạt động của công ty trong phạm vi số vốn góp vào công ty nên ít gây rủi ro cho người góp vốn.
Số lượng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn không nhiều và các thành viên thường là người quen biết, tin cậy nhau, nên việc quản lý, điều hành công ty không quá phức tạp.
Chế độ chuyển nhượng vốn được điều chỉnh chặt chẽ nên nhà đầu tư dễ dàng kiểm soát được việc thay đổi các thành viên, hạn chế sự thâm nhập của người lạ vào công ty.
2. DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN: (Quy định tại chương VII luật doanh nghiệp 2020)
Điều 183 luật doanh nghiệp 2020 quy định:
Điều 188. Doanh nghiệp tư nhân
1. Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
2. Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.
3. Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh.
4. Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.
Doanh nghiệp tư nhân là loại hình doanh nghiệp đơn giản, cơ cấu gọn nhẹ nhất phù hợp nếu một mình bạn bỏ vốn kinh doanh trong thị trường nhỏ. Chủ doanh nghiệp tư nhân tạo sự tin tưởng cho khách hàng hơn các loại hình khác do quy định “chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình;
Thường các ngành nghề kinh doanh sau: bán văn phòng phẩm, , bán buôn, bán lẻ vật liệu xây dựng, Dịch vụ phụ vụ cà phê, nước giải khát, bán tạp hóa, , quà lưu niệm, bán buôn, bán lẻ thực phẩm, dịch vụ ăn uống khách hàng thường lựa chọn loại hình doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên theo luật tất cả các loại hình doanh nghiệp đều có quy định ngành nghề giống nhau.
3. CÔNG TY CỔ PHẦN: (Quy định tại Chương V luật doanh nghiệp 2014)
Điều 111 luật doanh nghiệp 2020 quy định:
Điều 111. Công ty cổ phần
1. Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó:
a) Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;
b) Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa;
c) Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;
d) Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 và khoản 1 Điều 127 của Luật này.
2. Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
3. Công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phần, trái phiếu và các loại chứng khoán khác của công ty.
Đây là lựa chọn của đa phần các công ty lớn có ít nhất 3 cá nhân hoặc tổ chức góp vốn trở lên, kinh doanh những ngành nghề đòi hỏi vốn lớn thực hiện lọa hình này có thể huy động vốn dễ dàng và từ nhiều nguồn và đối tượng khác nhau, Công ty Cổ phần phù hợp cho tất cả các ngành nghề kinh doanh pháp luật Việt Nam cho phép. Ưu điểm của công ty cổ phần là:
– Chế độ trách nhiệm của công ty cổ phần là trách nhiệm hữu hạn, các cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi vốn góp nên mức độ rủi do của các cổ đông không cao.
– Khả năng hoạt động của công ty cổ phần rất rộng, trong hầu hết các lĩch vực, ngành nghề.
– Cơ cấu vốn của công ty cổ phần hết sức linh hoạt tạo điều kiện nhiều người cùng góp vốn vào công ty.
– Khả năng huy động vốn của công ty cổ phần rất cao thông qua việc phát hành cổ phiếu ra công chúng, đây là đặc điểm riêng có của công ty cổ phần.
– Việc chuyển nhượng vốn trong công ty cổ phần là tương đối dễ dàng, do vậy phạm vi đối tượng được tham gia công ty cổ phần là rất rộng, ngay cả các cán bộ công chức cũng có quyền mua cổ phiếu của công ty cổ phần.
Trên đây là khái quát về 4 loại hình doanh nghiệp phổ biến nhất ở Việt Nam hiện nay mà các cá nhân, tổ chức có nhu cầu muốn thành lập doanh nghiệp sẽ chọn là mô hình hoạt động, mỗi loại hình doanh nghiệp sẽ có những đặc điểm riêng tùy theo nhu cầu của người sáng lập, ngành nghề kinh doanh cũng như quy mô mà họ hướng đến trong tương lai. Ngoài 4 loại hình doanh nghiệp phổ biến như trên thì hiện nay tại Việt Nam còn có hai loại hình doanh nghiệp khác là: Doanh nghiệp nhà nước và Công ty hợp danh.
Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về vấn đề mà bạn đang quan tâm “Tư vấn các loại hình doanh nghiệp phổ biến ở Việt nam hiện nay”. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra bản tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.