Đối với các vụ án hình sự khởi tố theo yêu cầu bị hại, trong một số trường hợp, bị hại đã yêu cầu khởi tố có quyền yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trước đó. Tuy nhiên, chế định này đang có một số vướng mắc, bất cập do Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 chưa quy định cụ thể. Bài viết tác giả phân tích bất cập và đưa ra một số kiến nghị về vấn đề này.

So với Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2003, BLTTHS năm 2015 đã bỏ 01 trường hợp khởi tố theo yêu cầu bị hại, đó là Tội xâm phạm quyền tác giả. Việc BLTTHS năm 2015 bỏ trường hợp khởi tố theo yêu cầu bị hại đối với tội này đã thể hiện sự tiến bộ trong công tác lập pháp, phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm. Vì thực tế hiện nay, quyền tác giả đã, đang bị xâm phạm ngày càng nhiều và nghiêm trọng hơn, bằng nhiều hành vi ngày càng tinh vi, phức tạp hơn; thậm chí, việc xâm phạm diễn ra nhưng chính tác giả vẫn không hay biết. Chính vì thế, hành vi xâm phạm này cần được bảo vệ mà không cần phải có yêu cầu của bị hại nhằm bảo vệ tốt hơn quyền tác giả, quyền liên quan là phù hợp với tình hình của đất nước hiện nay.

Điều 155 BLTTHS năm 2015 quy định mang tính kế thừa Điều 105 BLTTHS năm 2003. Tuy nhiên, BLTTHS năm 2015 có sự sửa đổi, bổ sung so với BLTTHS năm 2003 trong quy định về cơ chế sử dụng quyền yêu cầu của bị hại trong khởi tố vụ án hình sự. Khoản 2 Điều 155 BLTTHS năm 2015 quy định: “Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ…”. So với BLTTHS năm 2003 thì BLTTHS năm 2015 đã có tiến bộ hơn khi mở rộng quyền rút yêu cầu của bị hại, đó là bị hại được quyền rút yêu cầu bất cứ lúc nào trong suốt quá trình tố tụng, từ giai đoạn điều tra, truy tố đến xét xử (khoản 2 Điều 105 BLTTHS năm 2003 quy định người bị hại chỉ được rút yêu cầu trước khi mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án mới được đình chỉ).

Tuy nhiên, việc hiểu và vận dụng khoản 2 Điều 155 BLTTHS năm 2015 còn nhiều bất cập trong trường hợp người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút đơn yêu cầu tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm bởi BLTTHS năm 2015 chưa quy định cụ thể, rõ ràng. Để giải quyết vấn đề trên, Tòa án nhân dân (TAND) tối cao đã ban hành Công văn số 254/TANDTC-PC (Công văn số 254) ngày 26/11/2018 để hướng dẫn áp dụng về việc người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu theo quy định tại Điều 155 BLTTHS năm 2015. Theo đó, tại giai đoạn xét xử sơ thẩm: “Người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa căn cứ vào Điều 45, điểm a khoản 1 Điều 282 của BLTTHS ra quyết định đình chỉ vụ án; Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử hoặc Thẩm phán chủ tọa phiên tòa xét xử theo thủ tục rút gọn căn cứ vào khoản 2 Điều 155, Điều 299 của BLTTHS ra quyết định đình chỉ vụ án…”; tại giai đoạn xét xử phúc thẩm thì: “Trường hợp có kháng cáo, kháng nghị mà tại giai đoạn xét xử phúc thẩm người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu thì Hội đồng xét xử hoặc Thẩm phán chủ tọa phiên tòa xét xử theo thủ tục rút gọn căn cứ vào khoản 2 Điều 155 và Điều 359 của BLTTHS hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án”.

Với hướng dẫn này, thấy có những vấn đề cần trao đổi, cụ thể như sau:

Một là, nếu trước khi mở phiên tòa sơ thẩm mà người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa quyết định đình chỉ vụ án là đúng quy định. Mặt khác, theo Công văn số 254 thì trước khi mở phiên tòa phúc thẩm, nếu người đã yêu cầu khởi tố vụ án rút yêu cầu thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa không được ra quyết định đình chỉ vụ án, tức là việc đình chỉ vụ án thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử (tại phiên tòa xét xử theo thủ tục phúc thẩm). Hướng dẫn như trên là phù hợp vì trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm Thẩm phán được phân công chỉ được ra một trong hai quyết định là: Quyết định đình chỉ hoặc quyết định đưa vụ án ra xét xử. Theo khoản 2 Điều 155 BLTTHS năm 2015, trong trường hợp người đã yêu cầu khởi tố vụ án mà rút yêu cầu thì phải đình chỉ vụ án. Tuy nhiên, ở giai đoạn phúc thẩm thì không thể đình chỉ khi đã có bản án sơ thẩm theo yêu cầu của bị hại, nay nếu đình chỉ vụ án thì không thể giải quyết yêu cầu của bị hại về việc rút yêu cầu khởi tố vụ án. Chính vì thế, cần phải tiến hành phiên tòa xét xử theo thủ tục phúc thẩm mặc dù có yêu cầu rút yêu cầu khởi tố.

Hai là, với hướng dẫn nếu người đã yêu cầu khởi tố vụ án rút yêu cầu tại giai đoạn xét xử phúc thẩm “…thì Hội đồng xét xử hoặc Thẩm phán chủ tọa phiên tòa xét xử theo thủ tục rút gọn căn cứ vào khoản 2 Điều 155 và Điều 359 của BLTTHS hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án” là chưa phù hợp, vì các điều luật về hủy án sơ thẩm như Điều 358 ( hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại) và Điều 359 BLTTHS năm 2015 (hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án) đều không thỏa mãn đối với trường hợp này, bởi lẽ:

– Điều 358 quy định việc hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại do có căn cứ cho rằng cấp sơ thẩm đã bỏ lọt tội phạm, người phạm tội hoặc để khởi tố, điều tra về tội nặng hơn tội đã tuyên; có việc vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng…

– Điều 359 quy định việc hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 157 BLTTHS năm 2015 (tức là không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm) thì Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, tuyên bị cáo không có tội và đình chỉ vụ án. Khi có một trong các căn cứ quy định tại các khoản 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 157 thì Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án. Bên cạnh đó, Điều 359 không liệt kê khoản 8 Điều 157 làm căn cứ để Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án (tội phạm quy định tại khoản 1 các Điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 Bộ luật Hình sự năm 2015 mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố).

– Nếu bị hại rút yêu cầu khởi tố ở giai đoạn xét xử phúc thẩm mà vụ án bị đình chỉ và bản án sơ thẩm bị hủy thì các vấn đề còn lại như trách nhiệm dân sự, xử lý tang vật sẽ giải quyết như thế nào?

Ba là, việc TAND tối cao ban hành Công văn số 254 để hướng dẫn áp dụng pháp luật là không đúng quy định tại Điều 21 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Luật tổ chức TAND năm 2015. Theo đó, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao ban hành Nghị quyết để hướng dẫn việc áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử thông qua tổng kết việc áp dụng pháp luật, giám đốc việc xét xử, TAND tối cao không thể ban hành Công văn hướng dẫn áp dụng pháp luật.

Như vậy, để có thể áp dụng chính xác, thống nhất và đúng quy định của BLTTHS năm 2015, Luật tổ chức TAND năm 2015, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, thì Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao cần sớm ban hành Nghị quyết hướng dẫn việc thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 155 BLTTHS năm 2015; đồng thời, đối với trường hợp có kháng cáo, kháng nghị mà tại giai đoạn xét xử phúc thẩm, người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu thì Hội đồng xét xử hoặc Thẩm phán chủ tọa phiên tòa theo thủ tục rút gọn xem đây là tình tiết mới và áp dụng Điều 357 BLTTHS năm 2015 để sửa bản án sơ thẩm theo hướng miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt cho bị cáo do thỏa mãn các quy định tại khoản 3 Điều 29 hoặc Điều 59 Bộ luật Hình sự năm 2015. Với việc tuyên sửa bản án sơ thẩm về hình phạt thì các phần khác của bản án sơ thẩm vẫn được giữ nguyên hiệu lực để thi hành thì mới xem là giải quyết được toàn bộ các vấn đề của vụ án./.

Nguồn: kiemsat.vn

Trần Văn Trung

VKSND huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng

Bài viết cùng chuyên mục

Tham khảo thêm

Luật sư giỏi tại Hà Nội

Luật sư giỏi nhất Hà Nội ở đâu ? Thật khó mà biết được đúng không nào ? Tuy nhiên không gì là không thể ?

Facebook
Twitter
LinkedIn
Pinterest
Tumblr

THÔNG TIN LIÊN HỆ

CÔNG TY LUẬT VIỆT PHÚ