Chiếm đoạt tiền phí chung cư, bị đề nghị truy tố tội tham ô

Được cư dân chung cư bầu làm trưởng ban quản trị, Thảo cùng một thành viên trong ban quản trị đã lợi dụng việc này rút tiền quỹ bảo trì chung cư do cư dân đóng góp để sử dụng vào việc cá nhân.

Công an TP.HCM đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án tham ô tài sản sang Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp, đề nghị truy tố hai bị can Huỳnh Thụy Phương Thảo và Lê Văn Tuất về tội “tham ô tài sản”, do chiếm đoạt tiền quỹ bảo trì chung cư của cư dân.

Lấy phí bảo trì chung cư để… đầu tư cá nhân

Theo kết luận điều tra của Công an TP.HCM, Huỳnh Thụy Phương Thảo là trưởng ban quản trị và ông Lê Văn Tuất (78 tuổi), thành viên ban quản trị cao ốc Thịnh Vượng (ở quận 2 cũ, nay là TP Thủ Đức). Các chức vụ này được cư dân trong cao ốc bầu ra và được UBND quận 2 có quyết định công nhận.

Sau khi đảm nhận chức vụ này vào năm 2017, Huỳnh Thụy Phương Thảo và Lê Văn Tuất đã được cư dân thống nhất cho đứng tên đồng sở hữu hai sổ tiết kiệm 3,3 tỉ đồng. Đây là tiền quỹ bảo trì cao ốc do cư dân đóng góp.

Sau khi mở hai sổ tiết kiệm tại ngân hàng, do cần tiền để tiêu xài cá nhân nên Thảo đã nói với ông Tuất và ông Tuất đã đồng ý thế chấp chính hai sổ tiết kiệm đó để vay lại 2,8 tỉ đồng, với mục đích vay tiêu dùng. Khi đến hạn trả nợ (năm 2020), do không có tiền trả nên Thảo và ông Tuất tiếp tục ký giấy rút cả hai sổ tiết kiệm là tiền quỹ bảo trì chung cư để trả vào khoản vay trước đó với tổng số tiền là 3,3 tỉ đồng.

Theo quy định của ban quản trị cao ốc Thịnh Vượng thì Thảo và ông Tuất phải báo cáo về các khoản tiền tiết kiệm này trong mỗi lần họp hội nghị nhà chung cư. Thế nhưng, cả hai không hề báo cáo về việc đã thế chấp sổ cho khoản vay cá nhân và sau đó đã rút hết tiền tiết kiệm để trả nợ.

Cho đến ngày 31-1-2021 tại cuộc đối thoại của cư dân trong cao ốc Thịnh Vượng với ban quản trị, toàn thể dân cư trong cao ốc đề nghị Thảo giải trình về khoản tiền quỹ bảo trì bao gồm cả gốc và lãi. Lúc này, Thảo mới thừa nhận đã rút số tiền trên để đầu tư cá nhân. Sau đó, cư dân trong cao ốc làm đơn tố cáo Thảo ra cơ quan điều tra.

Đến ngày 31-3-2021, Thảo đã hoàn trả toàn bộ số tiền 3,3 tỉ đồng và tiền lãi cho cư dân. Đến nay, Thảo không còn nợ nần gì với quỹ bảo trì của cao ốc nữa.

Rút tiền để sơn lại chung cư?

Theo lời khai của Thảo, khi cần lấy tiền này ra Thảo đã nói rõ cho ông Tuất biết. Nhưng ông Tuất khai rằng ông tham gia ban quản trị cho đủ thành viên, còn mọi việc đều do Thảo quyết và không bao giờ bàn bạc gì với ông. Do ông Tuất tuổi cao, bệnh tật nhiều nên Thảo bảo gì ông làm nấy.

Ông Tuất cũng khai rằng vào năm 2018 Thảo có gặp ông và nói là ban quản trị cần số tiền rất lớn để sơn lại toàn bộ 14 tầng của cao ốc, nên đề nghị ông Tuất ra ngân hàng rút tiền để lấy tiền thi công. Do tin tưởng Thảo nên ông Tuất đồng ý. Sau đó Thảo chở ông Tuất đến ngân hàng để cả hai cùng ký giấy rút tiền. Rút tiền xong, Thảo giữ luôn số tiền đó nên ông Tuất không biết tổng số tiền rút bao gồm cả lãi là bao nhiêu.

Sau đó chờ mãi không thấy triển khai gì việc sơn lại chung cư, ông Tuất mới phát hiện Thảo đã dùng số tiền này vào mục đích cá nhân nên ông đã báo với cư dân cao ốc để tổ chức họp đối thoại với Thảo. Tại buổi làm việc này Thảo đã thừa nhận rút hết tiền và hứa sẽ trả lại tiền này cho cư dân. Ông Tuất khai rằng việc rút tiền là bởi tin tưởng Thảo vì nghĩ rằng Thảo sử dụng tiền cho mục đích chung của cao ốc chứ ông Tuất không được hưởng lợi ích gì từ việc này.

Kết luận điều tra của Công an TP.HCM cho rằng hành vi của các bị can là đặc biệt nghiêm trọng và đã cấu thành tội “tham ô tài sản”. Cơ quan điều tra đã đề nghị truy tố Huỳnh Thụy Phương Thảo và Lê Văn Tuất về tội tham ô tài sản.

Ban quản trị cao ốc Thịnh Vượng là cơ quan đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu và những người sử dụng hợp pháp cao ốc này. Ban quản trị có tư cách pháp nhân và có con dấu riêng hoạt động theo mô hình hội đồng quản trị của hợp tác xã.

Hằng năm, hội nghị nhà chung cư cao ốc Thịnh Vượng ban hành quy chế tổ chức hoạt động của ban quản trị, có quy định cụ thể về chức năng nhiệm vụ của trưởng ban quản trị và các thành viên cùng các quy định về quản lý tài chính. Theo đó, quy chế này quy định rằng các thành viên đồng đứng tên chủ tài khoản (tiền) được thực hiện các giao dịch thanh toán cho hoạt động bảo trì đã ký và được dự trù trong kế hoạch với hạn mức đến 50 triệu đồng/lần.

Bài viết cùng chuyên mục

Tham khảo thêm

Làm gì khi bị ép cung

Ép cung là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị ép cung. Khi bị

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest
Share on tumblr
Tumblr

THÔNG TIN LIÊN HỆ

CÔNG TY LUẬT VIỆT PHÚ