Nộp phạt hành chính thì sẽ được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có đúng không?

Câu hỏi của khách hàng: Con trai tôi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 03 người, tổng số tiền chiếm đoạt là 2.900.000 đồng. Con tôi chưa có tiền án tiền sự; gia đình có người có công với cách mạng; đã bồi thường, khắc phục hậu quả cho các nạn nhân; thành khẩn khai báo với cơ quan chức năng. Có một cán bộ của cơ quan điều tra đã gọi điện cho gia đình tôi, nói là nếu nộp phạt hành chính 50,000,000 đồng thì con trai tôi sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nữa. Xin hỏi: 1. Con trai tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Mức phạt như thế nào? 2. Nếu chúng tôi nộp phạt 50,000,000 đồng thì con trai tôi có được miễn trách nhiệm hình sự không? Theo quy định của Bộ luật hình sự, Luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình thì hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người khác, tùy tính chất, mức độ, sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính (không xử phạt hành chính thay cho truy cứu trách nhiệm hình sự).

Nội dung này được Công ty luật Việt Phú tư vấn như sau:

  • 1. Về việc truy cứu trách nhiệm hình sựTheo quy định tại khoản 1 Điều 139 của Bộ luật hình sự thì người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

    Đối chiếu quy định trên và các thông tin mà bạn cung cấp, hành vi của con trai bạn đã đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm và sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 139 của Bộ luật hình sự.

    Theo quy định tại Điều 45 và Điều 46 của Bộ luật hình sự, các tình tiết như con trai bạn chưa từng có tiền án, tiền sự; gia đình có người có công với cách mạng; người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả; người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải… là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và sẽ được Tòa án xem xét khi quyết định hình phạt.

    2. Về việc xử phạt vi phạm hành chính

    Trường hợp hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản chưa đủ mức để truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 15 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Theo đó, hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng (không có mức xử phạt hành chính 50.000.000 đồng đối với hành vi này).

    Như vậy, trường hợp mà bạn nêu, hành vi của con trai bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Sẽ không có trường hợp gia đình bạn nộp 50.000.000 đồng để xử phạt hành chính thì con trai bạn sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bài viết cùng chuyên mục

Tham khảo thêm

Thủ tục khiếu nại tố cáo

Thủ tục khiếu nại tố cáo theo quy định của pháp luật Việt Nam bao gồm các bước sau: Giải quyết khiếu nại lần đầu:

Làm gì khi bị ép cung

Ép cung là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị ép cung. Khi bị

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest
Share on tumblr
Tumblr

THÔNG TIN LIÊN HỆ

CÔNG TY LUẬT VIỆT PHÚ