Tư Vấn Điều Kiện, Trình Tự Thủ Tục, Hồ Sơ Kiện Đòi Lại Tài Sản

Kiện đòi lại tài sản là việc chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp yêu cầu tòa án buộc người có hành vi chiếm hữu bất hợp pháp trả lại tài sản cho mình. Biện pháp bảo vệ quyền sở hữu này được quy định cụ thể tại Điều 164 Bộ luật dân sự 2015

“Biện pháp bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản

1. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền tự bảo vệ, ngăn chặn bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền của mình bằng những biện pháp không trái với quy định của pháp luật.

2. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.”

Trong đó Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền “yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền phải trả lại tài sản”. Do đó, Kiện đòi lại tài sản là một phương thức được pháp luật công nhận và bảo vệ.

Vậy để khởi kiện kiện đòi lại tài sản cần đáp ứng những điều kiện nào? Điều kiện, trình tự thủ tục, hồ sơ, các giấy tờ pháp lý cần thiết để kiện đòi lại tài sản.

I. ĐIỀU KIỆN KHỞI KIỆN

1. Người khởi kiện (nguyên đơn) phải chứng minh quyền kiện đòi tài sản

Để chứng minh quyền kiện đòi tài sản, trước hết, người khởi kiện phải chứng minh mình là chủ thể có quyền kiện đòi lại tài sản. Theo điều Điều 166 Bộ luật dân sự 2015, chủ thể có quyền kiện đòi ở đây bao gồm: Chủ sở hữu và Chủ thể có quyền khác đối với tài sản.

a) Định nghĩa:

–     Chủ sở hữu là những chủ thể có đầy đủ ba quyền năng là quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản theo quy định tại Điều 158 Bộ luật dân sự 2015. Chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình đối với tài sản nhưng không được trái với quy định của luật, gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

Chủ sở hữu là người có toàn quyền đối với tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của mình.

–      Chủ thể có quyền khác đối với tài sản là chủ thể trực tiếp nắm giữ, chi phối tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác. Quyền khác đối với tài sản bao gồm:

a) Quyền đối với bất động sản liền kề;

b) Quyền hưởng dụng;

c) Quyền bề mặt.

b) Chứng minh

Trên thực tế, việc chứng minh quyền sở hữu là rất khó khăn nhất là đối với trường hợp tài sản là động sản không đăng ký quyền sở hữu: laptop, điện thoại di động… khi mà tài sản không chỉ chuyển đổi người chiếm giữ một, hai lần mà qua rất nhiều giao dịch dân sự khác nhau. Do đó, nguyên đơn thường phải đưa ra được đặc điểm riêng, đặc trưng để nhận biết tài sản đó.

Đối với tài sản là động sản phải đăng ký quyền sở hữu và bất động sản thường dễ dàng hơn bởi trong trường hợp này có giấy tờ chứng minh.

Mặt khác, trong một số trường hợp chủ sở hữu phải chứng minh được tài sản đang đòi đã bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu (đánh rơi, bỏ quên, bị mất cắp…). Trong trường hợp người chiếm hữu tài sản nhận được tài sản thông qua giao dịch không đền bù thì không phải chứng mình điều kiện này.

c) Bồi thường

Sau khi chứng minh được quyền kiện đòi, về nguyên tắc, người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật (bị đơn) phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu hoặc chủ thể có quyền khác đối với tài sản (nguyên đơn) theo khoản 1 Điều 579 Bộ luật dân sự 2015.

Khi lấy lại tài sản, chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản không phải bồi thường một khoản tiền nào, trừ trường hợp bồi thường cho người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình phải bỏ ra chi phí hợp lí để sửa chữa tài sản, làm tăng giá trị của tài sản. Như vậy, trường hợp bồi thường chỉ đặt ra đối với người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình (Điều 583 Bộ luật dân sự 2015).

2. Người bị kiện (bị đơn) là người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật

Người bị kiện (bị đơn) là người chiếm hữu tài sản của người khởi kiện không có căn cứ pháp luật và là người đang trực tiếp nắm giữ tài sản đó

Người bị kiện có thể là người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình hoặc người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật không ngay tình được xác định cụ thể tại Điều 180 và Điều 181 Bộ luật dân sự 2015.

Việc xác định tính chất chiếm hữu tài sản của người bị kiện là ngay tình hay không ngay tình có ý nghĩa quan trọng trong giải quyết vụ án bởi điều này không chỉ làm cơ sở để đáp ứng hay không yêu cầu lấy lại tài sản của nguyên đơn mà còn để giải quyết các hệ quả liên quan như yêu cầu người đã trực tiếp chuyển giao tài sản cho mình phải thanh toán chi phí (Điều 583 Bộ luật dân sự 2015) cũng như nghĩa vụ của người chiếm hữu trong việc hoàn trả hoa lợi, lợi tức phát sinh trong thời gian chiếm hữu tài sản (Điều 581 Bộ luật dân sự 2015)

3. Điều kiện đối với đối tượng kiện đòi: Tài sản còn

Đối tượng kiện đòi được xác định rất rõ ràng đó là tài sản. Để có thể lựa chọn phương thức kiện đòi tài sản, ngoài hai yêu cầu về mặt chủ thể tham gia nêu trên còn phải đáp ứng điều kiện đó là tài sản còn tồn tại và đang nằm trong sự chiếm giữ của bị đơn.

Theo quy định tại Điều 105 Bộ luật dân sự 2015:  “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”.

Tuy nhiên do đặc thù của phương thức kiện đòi lại tài sản cho nên không phải tất cả những tài sản được liệt kê tại Điều 105 đều là đối tượng của kiện đòi lại tài sản .

VẬT

Để áp dụng phương thức kiện đòi lại tài sản thì tài sản phải là vật có thực và tồn tại trên thực tế với 2 trường hợp còn nguyên ở trạng thái ban đầu hoặc về cơ bản vẫn còn nhưng bị giảm sút giá trị hoặc đã được làm tăng giá trị. Nếu vật hiện không còn tồn tại do đã bị mất (mà không xác định được ai là người đang thực tế chiếm hữu) hoặc bị tiêu hủy thì cũng không thể áp dụng biện pháp kiện đòi lại tài sản được mà chỉ có thể áp dụng biện pháp kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại.

TIỀN

Tiền được coi là một loại tài sản riêng biệt. Chủ sở hữu có thể kiện đòi lại tiền trong trường hợp biết rõ số seri của những tờ tiền đó mà hiện đang bị người khác chiếm hữu không có căn cứ pháp luật.

Trường hợp tiền đã được bao gói niêm phong mà bị người khác chiếm hữu trái pháp luật và hiện số tiền đó vẫn còn nguyên bao thì bản chất kiện đòi lại tài sản trong trường hợp này là kiện đòi lại tài sản là vật (một gói tiền) chứ không phải là kiện đòi lại tiền.

Do vậy, tùy từng trường hợp mà tiền có thể là đối tượng hoặc không phải là đối tượng của kiện đòi lại tài sản.

GIẤY TỜ CÓ GIÁ

Giấy tờ có giá với tư cách là giấy tờ minh chứng cho quyền tài sản, giá trị của giấy tờ có giá chính là giá trị của quyền tài sản mà nó minh chứng. Giấy tờ có giá là loại tài sản hữu hình, được xếp vào loại tài sản là động sản. Giấy tờ có giá có thể là đối tượng của quyền đòi lại tài sản.

QUYỀN TÀI SẢN

Quyền tài sản là loại tài sản vô hình, do đó không thể thực hiện được quyền chiếm hữu với loại tài sản này. Căn cứ vào đặc điểm của phương thức kiện đòi lại tài sản thì quyền tài sản không phải là đối tượng của kiện đòi lại tài sản. Khi quyền tài sản bị xâm phạm thì tùy thuộc vào tính chất, mức độ xâm phạm mà chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có thể yêu cầu phương thức kiện chấm dứt hành vi xâm phạm hoặc kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại.

II. HỒ SƠ KHỞI KIỆN

1.   Số lượng: 1 bộ

2.   Thành phần

–   Các tài liệu chứng minh nhân thân trong tranh chấp: Chứng minh nhân dân, hộ khẩu người khởi kiện, của các đương sự và người có liên quan khác (nếu có).

–   Tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho những yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.

–   Các chứng cứ, tài liệu chứng minh cho lỗi/sự vi phạm nghĩa vụ của một/các bên

–   Các tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung tranh chấp khác (nếu có)

–   Bản kê các tài liệu nộp kèm theo đơn kiện (ghi rõ số bản chính, bản sao)

–   Biên lai nộp lệ phí hoặc tiền tạm ứng án phí (sau đó)

Lưu ý: Các tài liệu nêu trên là văn bản, tài liệu tiếng nước ngoài đều phải được dịch sang tiếng Việt Nam do cơ quan, tổ chức có chức năng dịch thuật, kèm theo bản gốc. Các văn bản tài liệu khác nếu nộp bản sao thì phải được xác nhận sao y bản chính

III. QUY TRÌNH GIẢI QUYẾT

Bước 1: Nộp đơn (hồ sơ khởi kiện)

Bước 2: Xử lý đơn khởi kiện

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây:

a) Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;

b) Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật này;

c) Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;

d) Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án

Bước 3: Ra thông báo nộp tạm ứng án phí

Bước 4: Đương sự nộp biên lai nộp tạm ứng án phí cho Tòa án, thẩm phán phụ trách ra quyết định thụ lý vụ án và gửi thông báo thụ lý tới các đương sự và Viện kiểm sát.

Bước 5: Các bên đương sự có văn bản trình bày ý kiến đối với nội dung khởi kiện trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo.

Bước 6: Quyết định đưa vụ án ra xét xử

IV. ÁN PHÍ

–   Án phí dân sự trong vụ án về tranh chấp kiện đòi lại tài sản bao gồm án phí sơ thẩm và án phí phúc thẩm

–   Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí

Nguyên đơn, bị đơn có yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong vụ án dân sự phải nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm, người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí

–  Thời hạn nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm: Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí

– Mức án phí sơ thẩm phải nộp: Tranh chấp đòi lại tài sản là trường hợp tranh chấp về dân sự có giá ngạch

Từ 6.000.000 đồng trở xuống: 300.000 đồng
Từ trên 6.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng: 5% giá trị tài sản có tranh chấp
Từ trên 400.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng: 20.000.000 đồng + 4% của phần giá trị tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng
Từ trên 800.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng: 36.000.000 đồng + 3% của phần giá trị tranh chấp vượt quá 800.000.000 đồng
Từ trên 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng: 72.000.000 đồng + 2% của phần giá trị tranh chấp vượt 2.000.000.000 đồng
Từ trên 4.000.000.000 đồng: 112.000.000 đồng + 0,1% của phần giá trị tranh chấp vượt 4.000.000.000 đồng

– Mức án phí phúc thẩm đối với tranh chấp kiện đòi tài sản: 300.000 đồng

V. THỜI HẠN GIẢI QUYẾT

Thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án kinh doanh thương mại từ 2 đến 4 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án

Thời hạn mở phiên tòa vụ án kinh doanh thương mại từ 1 đến 2 tháng kể từ ngày có Quyết định đưa vụ án ra xét xử

Song trên thực tế, các vụ án thường kéo dài hơn với thời gian nhiều năm, do nhiều nguyên nhân như tranh chấp phức tạp cả về nội dung lẫn hình thức tố tụng, trong khi một số quy định của pháp luật chưa đầy đủ, rõ ràng, chưa có văn bản hướng dẫn áp dụng, còn nhiều quan điểm khác nhau về hướng giải quyết, liên quan đến nhiều người.

VI. CĂN CỨ PHÁP LÝ

Bộ luật dân sự 2015

Bộ luật tố tụng dân sự 2015

Nghị Quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án

Vui lòng liên hệ với Luật Việt Phú để được tư vấn chi tiết và cụ thể hơn.

Bài viết cùng chuyên mục

Tham khảo thêm

Luật sư giỏi tại Hà Nội

Luật sư giỏi nhất Hà Nội ở đâu ? Thật khó mà biết được đúng không nào ? Tuy nhiên không gì là không thể ?

Facebook
Twitter
LinkedIn
Pinterest
Tumblr

THÔNG TIN LIÊN HỆ

CÔNG TY LUẬT VIỆT PHÚ