Thủ Tục Khởi Kiện Vụ Án Kinh Doanh Thương Mại

I. NHỮNG TRANH CHẤP VỀ KINH DOANH, THƯƠNG MẠI THUỘC THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT CỦA TÒA ÁN

1.   Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.

2.   Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.

3.   Tranh chấp giữa người chưa phải là thành viên công ty nhưng có giao dịch về chuyển nhượng phần vốn góp với công ty, thành viên công ty.

4.   Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty; tranh chấp giữa công ty với người quản lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc trong công ty cổ phần, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.

5.   Các tranh chấp khác về kinh doanh, thương mại, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật

II. THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT

a)  Thẩm quyền Tòa án theo cấp:

–  Toà án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp nêu tại khoản 1 Điều 30 và những yêu cầu quy định tại khoản 1 và khoản 6 Điều 31 BLTTDS, trừ trường hợp những tranh chấp mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Toà án nước ngoài.

– Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp kinh doanh thương mại sau:

+ Tranh chấp kinh doanh thương mại mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Toà án nước ngoài;

+ Các tranh chấp kinh doanh thương mại quy định tại khoản 2, 3, 4, 5 Điều 30 Bộ Luật Tố tụng Dân sự.

+ Các yêu cầu kinh doanh thương mại tải khoản 2, 3, 4, 5 Điều 31 Bộ Luật Tố tụng Dân sự.

+ Những vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện mà Tòa án cấp tỉnh lấy lên để giải quyết.

b)  Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ

–  Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức;

– Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức;

c) Thẩm quyền của Toà án theo sự lựa chọn của nguyên đơn

Nguyên đơn có quyền lựa chọn Toà án giải quyết tranh chấp về kinh doanh, thương mại trong các trường hợp sau đây:

– Nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết;

– Nếu tranh chấp phát sinh từ hoạt động của chi nhánh tổ chức thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án nơi tổ chức có trụ sở hoặc nơi tổ chức có chi nhánh giải quyết;

– Nếu bị đơn không có nơi cư trú, làm việc, trụ sở ở Việt Nam thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án nơi mình cư trú, làm việc giải quyết;

– Nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi xảy ra việc gây thiệt hại giải quyết;

– Nếu tranh chấp phát sinh từ quan hệ hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án nơi hợp đồng được thực hiện giải quyết;

– Nếu các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở ở nhiều nơi khác nhau thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án nơi một trong các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết.

III. HỒ SƠ KHỞI KIỆN

1.   Số lượng: 1 bộ

2.   Thành phần

–   Đơn khởi kiện

–   Các tài liệu chứng minh chủ thể trong quan hệ kinh doanh thương mại tranh chấp: Tài liệu về tư cách pháp lý của người khởi kiện, của các đương sự và người có liên quan khác như: Giấy phép, quyết định thành lập doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; điều lệ hoạt động, quyết định bổ nhiệm hoặc cử người đại diện doanh nghiệp

–   Hợp đồng kinh tế hoặc văn bản, tài liệu giao dịch có giá trị như hợp đồng kinh tế. Biên bản bổ sung, phụ lục hợp đồng (nếu có)

–   Các chứng cứ tài liệu chứng minh cho việc thực hiện nghĩa vụ của các bên

–   Các chứng cứ, tài liệu chứng minh cho lỗi/sự vi phạm nghĩa vụ của một/các bên

–   Các tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung tranh chấp khác (nếu có)

–   Bản kê các tài liệu nộp kèm theo đơn kiện (ghi rõ số bản chính, bản sao)

–   Biên lai nộp lệ phí hoặc tiền tạm ứng án phí (sau đó)

Lưu ý: Các tài liệu nêu trên là văn bản, tài liệu tiếng nước ngoài đều phải được dịch sang tiếng Việt Nam do cơ quan, tổ chức có chức năng dịch thuật, kèm theo bản gốc. Các văn bản tài liệu khác nếu nộp bản sao thì phải được xác nhận sao y bản chính

IV. QUY TRÌNH GIẢI QUYẾT

Bước 1: Nộp đơn (hồ sơ khởi kiện)

Bước 2: Xử lý đơn khởi kiện

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây:

a) Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;

b) Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật này;

c) Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;

d) Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án

Bước 3: Ra thông báo nộp tạm ứng án phí

Bước 4: Đương sự nộp biên lai nộp tạm ứng án phí cho Tòa án, thẩm phán phụ trách ra quyết định thụ lý vụ án và gửi thông báo thụ lý tới các đương sự và Viện kiểm sát.

Bước 5: Các bên đương sự có văn bản trình bày ý kiến đối với nội dung khởi kiện trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo.

Bước 6: Quyết định đưa vụ án ra xét xử

V. ÁN PHÍ

– Án phí dân sự trong vụ án về tranh chấp kinh doanh thương mại bao gồm án phí sơ thẩm và án phí phúc thẩm

– Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí

Nguyên đơn, bị đơn có yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong vụ án dân sự phải nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm, người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí

– Thời hạn nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm: Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí

– Mức án phí sơ thẩm phải nộp

+ Đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại không có giá ngạch: 3.000.000 đồng

+ Đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch:

  • Từ 60.000.000 đồng trở xuống: 3.000.000 đồng
  • Từ trên 60.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng: 5% của giá trị tranh chấp
  • Từ trên 400.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng: 20.000.000 đồng + 4% của phần giá trị tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng
  • Từ trên 800.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng: 36.000.000 đồng + 3% của phần giá trị tranh chấp vượt quá 800.000.000 đồng
  • Từ trên 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng: 72.000.000 đồng + 2% của phần giá trị tranh chấp vượt 2.000.000.000 đồng
  • Từ trên 4.000.000.000 đồng: 112.000.000 đồng + 0,1% của phần giá trị tranh chấp vượt 4.000.000.000 đồng

– Mức án phí phúc thẩm đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại: 2.000.000 đồng

VI. THỜI HẠN GIẢI QUYẾT

Thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án kinh doanh thương mại từ 2 đến 4 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án

Thời hạn mở phiên tòa vụ án kinh doanh thương mại từ 1 đến 2 tháng kể từ ngày có Quyết định đưa vụ án ra xét xử

Song trên thực tế, các vụ án thường kéo dài hơn với thời gian nhiều năm, do nhiều nguyên nhân như tranh chấp phức tạp cả về nội dung lẫn hình thức tố tụng, trong khi một số quy định của pháp luật chưa đầy đủ, rõ ràng, chưa có văn bản hướng dẫn áp dụng, còn nhiều quan điểm khác nhau về hướng giải quyết, liên quan đến nhiều người.

VII. CĂN CỨ PHÁP LÝ

  • Bộ luật dân sự 2015
  • Bộ luật tố tụng dân sự 2015
  • Luật Doanh nghiệp năm 2014
  • Luật Thương mại năm 2005
  • Nghị Quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án

Vui lòng liên hệ với Luật Việt Phú để được tư vấn chi tiết và cụ thể hơn.

Bài viết cùng chuyên mục

Tham khảo thêm

Làm gì khi bị ép cung

Ép cung là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị ép cung. Khi bị

Facebook
Twitter
LinkedIn
Pinterest
Tumblr

THÔNG TIN LIÊN HỆ

CÔNG TY LUẬT VIỆT PHÚ