Vụ ‘thuê nhà sở hữu nhà nước rồi đem bán’: Buộc giao nhà cho người thuê có đúng?

Ông Kiểm thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước rồi bán cho ông Sơn, sau đó tòa phán quyết ông Sơn trả lại nhà cho ông Kiểm. Để bảo vệ nhà của nhà nước, UBND TP đang kiến nghị kháng nghị phán quyết của tòa. Việc buộc trả nhà cho người thuê có đúng?

Thuê nhà sở hữu nhà nước rồi tự ý bán cho người khác. Tòa phán người mua nhà phải trả lại nhà cho người thuê. Trong khi UBND TP.HCM đang kiến nghị kháng nghị bản án, còn cơ quan thi hành án đòi cưỡng chế giao nhà, có thể sẽ phát sinh không ít vướng mắc.

Vụ án này báo Tuổi Trẻ thông tin trong bài “Thuê nhà sở hữu nhà nước rồi đem bán” (ngày 3-9-2020). Sau khi bài báo đăng tải, UBND TP.HCM đã có văn bản kiến nghị kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm của TAND cấp cao tại TP.HCM để bảo vệ nhà đất thuộc sở hữu nhà nước. Còn chấp hành viên Cục Thi hành án dân sự TP.HCM yêu cầu thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Lợi ích nhà nước chưa được bảo vệ

Theo quan điểm kiến nghị kháng nghị của UBND TP.HCM, căn nhà số 14 đường Tự Quyết (phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú) do ông Đào Văn Kiểm thuê của nhà nước (ký hợp đồng thuê nhà vào tháng 3-2010 với Đội quản lý nhà quận Tân Phú), thời hạn thuê là 60 tháng. Đến năm 2015 thời hạn thuê nhà đã hết.

Sau đó, Đội quản lý nhà không liên hệ được với ông Kiểm để gia hạn hợp đồng cũng không thu được tiền nợ thuê nhà từ tháng 4-2012 đến nay. Đồng thời, theo báo cáo từ UBND quận Tân Phú, thực tế ông Kiểm không sử dụng nhà.

Theo UBND TP, bản án phúc thẩm tuyên ông Phạm Chí Sơn phải trả cho thừa kế của ông Kiểm phần nhà, đất nêu trên là chưa phù hợp. Vì đây là nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, ông Kiểm cũng không có quyền để lại cho các thừa kế cũng như không còn thuộc đối tượng được thuê nhà.

Ngoài ra, việc tòa án cấp cao xác định người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ kiện là Đội quản lý nhà thuộc sở hữu nhà nước trực thuộc quận Tân Phú (Đội quản lý nhà) là chưa phù hợp vì UBND TP mới là đại diện chủ sở hữu theo quy định.

Theo hồ sơ vụ án, năm 1998 ông Kiểm là người thuê nhà đã phân căn nhà số 14 Tự Quyết thành ba căn (địa chỉ hiện nay là 19A-21-23 Tự Quyết) để bán giấy tay cho ba chủ sử dụng là ông Phạm Chí Sơn, ông Hồ Tiền và vợ chồng ông Trần Văn Ngọc.

Đến năm 2001, ông Kiểm tranh chấp với ba hộ trên để đòi lại nhà đã bán. Trải qua thời gian tranh chấp, sau đó chỉ còn lại vụ kiện ông Kiểm kiện đòi lại nhà với ông Phạm Chí Sơn được giải quyết. Năm 2015, TAND TP.HCM xử sơ thẩm đã tuyên hủy hợp đồng mua bán nhà và yêu cầu ông Sơn phải trả nhà (21 Tự Quyết) cho ông Kiểm.

Đến năm 2016, ông Kiểm qua đời. Năm 2017, TAND cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm yêu cầu phía ông Sơn phải trả lại nhà đất cho người thừa kế của ông Kiểm.

Giao trả nhà của Nhà nước có đúng?

Sau khi có bản án phúc thẩm, chấp hành viên tiến hành thi hành bản án theo quy định. Và suốt thời gian qua, ông Sơn liên tục gửi đơn khiếu nại và cầu cứu đến nhiều cơ quan chức năng để phản đối việc cơ quan thi hành án đòi cưỡng chế giao căn nhà cho người thừa kế của ông Kiểm.

Vào giữa năm 2019, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM cũng từng hoãn thi hành án, cưỡng chế giao nhà vì “tránh tình trạng khiếu kiện phức tạp”.

Gần đây, phía Viện kiểm sát đã có văn bản thông báo không kháng nghị giám đốc thẩm đối với kiến nghị của UBND TP. Kiểm sát viên nhận định căn nhà ông Kiểm bán cho ông Sơn là nhà ông Kiểm thuê của Nhà nước.

Mặc dù hợp đồng thuê hết hạn nhưng bên cho thuê chưa có quyết định chấm dứt hoặc thanh lý hợp đồng thuê. Mặt khác, quá trình giải quyết vụ án, Đội quản lý nhà tham gia với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không yêu cầu trả lại nhà cho chủ sở hữu nhà nước.

Như vậy, lợi ích nhà nước trong vụ án không bị xâm phạm. Việc tòa tuyên hủy hợp đồng mua bán nhà giữa ông Sơn và ông Kiểm vì vô hiệu và buộc phía ông Sơn trả lại nhà đất cho các thừa kế của ông Kiểm là đúng.

Căn cứ thông báo không kháng nghị giám đốc thẩm của Viện kiểm sát, Thi hành án tiếp tục yêu cầu ông Sơn phải giao trả nhà cho người thừa kế ông Kiểm. Tuy nhiên, ông Sơn không đồng ý mà chỉ muốn giao trả lại nhà cho Nhà nước vì “nhà thuộc sở hữu nhà nước, không thể trả cho phía ông Kiểm là người không sở hữu nhà”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Hứa Thị Thảo (Đoàn luật sư TP.HCM), nêu quan điểm đồng tình với kiến nghị kháng nghị của UBND TP.HCM. Theo luật sư Thảo, tư cách tham gia tố tụng là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án phải là UBND TP.HCM chứ không phải là Đội quản lý nhà quận Tân Phú.

Vì UBND TP mới là đại diện chủ sở hữu nhà đất. Chỉ khi UBND TP ủy quyền cho Đội quản lý nhà quận Tân Phú tham gia tố tụng thì tư cách tố tụng của Đội quản lý nhà mới hợp pháp.

Bên cạnh đó, hợp đồng thuê nhà giữa ông Kiểm và Nhà nước đã hết hạn thì dù chưa có quyết định chấm dứt hay thanh lý (chỉ là thủ tục) thì quyền gắn liền với đối tượng thuê nhà của ông Kiểm cũng không còn cơ sở pháp lý. Nhà đất thuộc sở hữu nhà nước, ông Kiểm cũng không có quyền để lại cho các thừa kế.

Theo luật sư Hứa Thị Thảo, việc tòa án tuyên hủy hợp đồng mua bán giữa ông Kiểm và ông Sơn vì vô hiệu là đúng, nhưng buộc ông Sơn trả nhà của Nhà nước cho thừa kế ông Kiểm là chưa phù hợp. Các cơ quan tố tụng cần xem xét kiến nghị của UBND TP để lợi ích nhà nước không bị xâm phạm.

Ngoài ra, để bảo vệ lợi ích của UBND TP, theo quy định pháp luật thi hành án thì cơ quan thi hành án cũng có quyền kiến nghị kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án…

Bài viết cùng chuyên mục

Tham khảo thêm

Làm gì khi bị ép cung

Ép cung là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị ép cung. Khi bị

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest
Share on tumblr
Tumblr

THÔNG TIN LIÊN HỆ

CÔNG TY LUẬT VIỆT PHÚ