Tôi được biết, hiện nhà nước đang có chính sách hỗ trợ về vốn, miễn, giảm tiền sử dụng đất cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông thôn, các doanh nghiệp đầu tư mua máy móc hiện đại giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất. Xin hỏi, để được hưởng các chính sách ưu đãi này, doanh nghiệp cần làm những thủ tục gì? Chính quyền địa phương sẽ trợ giúp các doanh nghiệp như thế nào trong quá trình làm thủ tục?
Câu hỏi của bạn Công ty luật Việt Phú xin tư vấn như sau:
Đúng như bạn đã biết, hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông thôn, đặc biệt là các doanh nghiệp mua các công nghệ hiện đại, giảm thiểu ô nhiễm môi trường đưa vào sản xuất sẽ nhận được nhiều ưu đãi. Để nhận các ưu đãi này, doanh nghiệp cần nộp hồ sơ và tiến hành các thủ tục quy định tại Điều 17 Nghị định như sau:
“1. Hồ sơ, trình tự đề nghị hỗ trợ
a) Doanh nghiệp gửi 03 bộ hồ sơ gồm Dự án đầu tư, văn bản đề nghị hỗ trợ của doanh nghiệp tới Sở Kế hoạch và Đầu tư (Mẫu số 02 tại Phụ lục II kèm theo Nghị định này).
b) Trong thời hạn tối đa 10 ngày làm việc, Sở Kế hoạch và Đầu tư có văn bản thẩm tra và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (Mẫu số 03 tại Phụ lục II kèm theo Nghị định này), trong vòng 05 ngày Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản cam kết hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp (Mẫu số 04 tại Phụ lục II kèm theo Nghị định này). Trường hợp từ chối cam kết hỗ trợ cho doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản gửi doanh nghiệp nêu rõ lý do.
c) Trường hợp sử dụng ngân sách trung ương thì thực hiện quy định của pháp luật về đầu tư công.
2. Nghiệm thu hạng mục đầu tư hoặc toàn bộ dự án
a) Căn cứ đề nghị nghiệm thu của doanh nghiệp, trong thời hạn 05 ngày làm việc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì mời các cơ quan liên quan tham gia Hội đồng nghiệm thu.
b) Nội dung nghiệm thu: Nghiệm thu hạng mục, toàn bộ dự án theo Định mức hỗ trợ đối với từng loại hạng mục, công trình do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành.
c) Biên bản nghiệm thu của hội đồng nghiệm thu (Mẫu số 05 tại Phụ lục II kèm theo Nghị định này) là căn cứ để giải ngân vốn hỗ trợ cho doanh nghiệp. Ngoài ra các cơ quan nhà nước không được yêu cầu doanh nghiệp bổ sung các văn bản khác.
3. Thủ tục nhận hỗ trợ
Doanh nghiệp gửi hồ sơ đề nghị giải ngân vốn hỗ trợ gồm: Biên bản nghiệm thu, quyết định giao vốn của cơ quan có thẩm quyền gửi Kho bạc Nhà nước để được giải ngân khoản hỗ trợ trong vòng 05 ngày làm việc.”
Về trách nhiệm của địa phương
Theo Điều 19 Nghị định trên, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm: Rà soát, ban hành chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tại địa phương, trong đó quy định chính sách tín dụng tại địa phương quy định tại Điều 8 Nghị định này; vốn cấp bù lãi suất hỗ trợ cho các dự án và mức vốn sử dụng ngân sách địa phương để đảm bảo thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời, ban hành cơ chế thúc đẩy tập trung đất đai, tạo quỹ đất để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn phù hợp với thẩm quyền và các quy định của pháp luật.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải: Ban hành quyết định chủ trương đầu tư về danh mục dự án khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định này. Thời hạn 05 năm một lần; hàng năm Ủy ban nhân dân cấp tỉnh rà soát và điều chỉnh.
Ngoài ra, phải: Ban hành danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh; Ban hành định mức hỗ trợ đối với từng loại hạng mục, công trình phù hợp với các mức hỗ trợ quy định tại Nghị định này. Đồng thời, chỉ đạo thực hiện và đánh giá tình hình thực hiện Nghị định tại địa phương năm trước đó, báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 31 tháng 3 hàng năm; Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao danh mục và mức vốn hỗ trợ cho doanh nghiệp theo từng dự án.