Các vấn đề pháp lý về chia di sản thừa kế thường được mọi người quan tâm đặc biệt. Với hơn 10 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực dân sự, đặc biệt là lĩnh vực thừa kế, Văn phòng Luật Việt Phú sẽ tư vấn quý khách hàng các bước để thực hiện chia di sản thừa kế như sau:

I – Kiểm tra thời hiệu chia di sản thừa kế:

Việc thực hiện “quyền yêu cầu chia thừa kế; quyền yêu cầu xác nhận hay bác bỏ quyền thừa kế; quyền yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản sẽ mất đi” đều phải thực hiện trong khoảng thời hiệu luật định. Vì vậy, nếu việc thực hiện quyền nằm ngoài thời hiệu luật định thì các chủ thể có quyền được xem là từ bỏ quyền của mình và đương nhiên dẫn đến hậu quả pháp lý là các quyền đó sẽ không được pháp luật công nhận nữa.

Cụ thể Điều 623 Bộ Luật dân sự quy định về thời hiệu thừa kế như sau “Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế.” Trong trường hợp hết thời hạn thì di sản thuộc về người thừa kế quản lý di sản đó. Nếu di sản không có người thừa kế quản lý thì sẽ thuộc về người đang chiếm hữu theo Điều 236 còn không sẽ thuộc quyền quản lý của Nhà nước.

Ngoài ra, pháp luật cũng quy định thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm; thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, đều kể từ thời điểm mở thừa kế.

II – Xác định di sản chia thừa kế:

“Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.”(căn cứ Điều 612 BLDS)BLDS 2015, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và một số văn bản pháp luật liên quan xác định di sản của người chết bao gồm các loại tài sản sau:

1. Di sản chia thừa kế là tài sản riêng

Di sản thừa kế gồm: Tài sản được thừa kế, được tặng cho; Tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu; Thu nhập, tài sản tích cóp; Quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ; Tài sản  xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác; Khoản trợ cấp, ưu đãi được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân;…

Trong trường hợp vợ chồng lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo thỏa thuận thì tài sản riêng của vợ, chồng được xác định theo văn bản thỏa thuận được xác lập trước khi kết hôn.

2. Di sản chia thừa kế là tài sản chung

 Căn cứ vào mối quan hệ độc thân hay kết hôn có thể xác định như sau:

2.1 Di sản thừa kế là tài sản của người chết trong khối tài sản chung hợp nhất của vợ chồng gồm:

Tài sản được vợ chồng tạo ra trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung nếu không có thỏa thuận nào khác; Tài sản được tạo ra từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân; Tài sản mà được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác thỏa thuận là tài sản chung; Tài sản hình thành trong trường hợp vợ, chồng tự nguyện nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung…

Khi một bên chết trước thì về nguyên tắc, toàn bộ tài sản chung sẽ được chia đôi, một nửa thuộc sở hữu riêng của người còn sống, một nửa thuộc về di sản thừa kế của người đã chết.

2.2 Di sản thừa kế là tài sản của người chết trong khối tài sản chung theo phần với chủ thể khác

Sở hữu chung theo phần là phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu chung được xác định đối với tài sản chung và có quyền, nghĩa vụ tương ứng với phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.Sở hữu chung theo phần thường là việc góp vốn để mua sắm tài sản, sản xuất, kinh doanh chung hoặc các nhu cầu chung khác. Để xác định phần di sản của người đã chết trong khối tài sản chung cần phải thông qua việc định giá tài sản chung đó.

Cần lưu ý:

+ Di sản phải là những tài sản hợp pháp của người chết, còn các tài sản phi pháp sẽ không được chấp nhận để trở thành di sản thừa kế mà tùy trường hợp cụ thể sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

+ Tài sản gắn kiền với nhân thân người chết không được coi là di sản thừa kế.

III -Thực hiện nghĩa vụ tài sản

1. Thực hiện nghĩa vụ tài sản

Pháp luật quy định việc thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như sau:

– Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

– Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.

– Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

– Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.

2. Thứ tự ưu tiên thanh toán nghĩa vụ tài sản

Các nghĩa vụ tài sản xuất phát từ những giao dịch dân sự mà người để lại di sản còn chưa thực hiện hết khi còn sống (nợ, bồi thường thiệt hại, tiền phạt,…). Thứ tự các nghĩa vụ phải thanh toán tuân theo Điều 658 BLDS: “1. Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng; 2. Tiền cấp dưỡng còn thiếu; 3. Chi phí cho việc bảo quản di sản; 4. Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ; 5. Tiền công lao động; 6. Tiền bồi thường thiệt hại; 7. Thuế và các khoản phải nộp khác vào ngân sách nhà nước; 8. Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân; 9. Tiền phạt; 10. Các chi phí khác.” Đây là những nghĩa vụ về tài sản buộc phải thực hiện bằng di sản thừa kế.

Di sản được đem chia thừa kế sẽ là số di sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại.

IV- Chia di sản thừa kế:

1. Chia di sản theo di chúc

Việc phân chia di sản thực hiện theo ý chí của người để lại di chúc. Di chúc là ý chí cá nhân được pháp luật bảo vệ, nội dung di chúc có thể phân định rõ những ai được hưởng và cách chia phần di sản được hưởng đó.

Trong trường hợp trong di chúc không quy định rõ phần tài sản của từng người được hưởng thừa kế thì di sản được chia đều cho những người được chỉ định trong di chúc. Trường hợp các bên được hưởng có thỏa thuận chia khác thì nên lập thành văn bản thỏa thuận chia di sản và có thể công chứng để đảm bảo tính hợp pháp của văn bản này.

Trường hợp chia di sản theo hiện vật thì người được hưởng cùng với hoa lợi, lợi tức mà di sản sinh ra hoặc phải chấp nhận phần hao hụt của hiện vật tính đến khi chia di sản.

Trường hơp di chúc quy định tỉ lệ chia di sản thì được tính trên tổng giá trị khối di sản vào thời điểm chia.

Chú ý: Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

– Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

– Con thành niên mà không có khả năng lao động.

2. Chia di sản theo pháp luật

– Xác định những người không được thừa kế

Cụ thể, những đối tượng sau sẽ không được nhận di sản thừa kế:

+ Người không được quyền hưởng di sản (Điều 621);

+ Người từ chối nhận di sản thừa kế (Điều 620).

– Xác định người thừa kế, hàng thừa kế theo pháp luật (căn cứ Điều 651 BLDS 2015):

Quy tắc xác định:

Một là, thứ tự ưu tiên được chia di sản thừa kế lần lượt từ hàng thừa kế thứ nhất; thứ hai và cuối cùng là hàng thừa kế thứ ba. Những người thuộc hàng thừa kế tiếp theo chỉ được hưởng khi không còn ai thuộc hàng thừa kế trước do đã chết; không có quyền hưởng di sản; bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Hai là, trong trường hợp người thừa kế thuộc hàng thừa kế chết hết nhưng họ có con, cháu thì áp dụng thừa kế thế vị cho đối tượng đó chứ chưa chuyển sang hàng thừa kế tiếp theo.

– Tiến hành chia di sản thừa kế 

Về nguyên tắc, di sản sẽ được chia đều cho những người trong hàng thừa kế. Kể cả người thừa kế đó mới thành thai lúc chia thừa kế mà sinh ra còn sống thì họ cũng được hưởng phần ngang với những người khác trong hàng thừa kế.

Bài viết cùng chuyên mục

Tham khảo thêm

Facebook
Twitter
LinkedIn
Pinterest
Tumblr

THÔNG TIN LIÊN HỆ

CÔNG TY LUẬT VIỆT PHÚ