Hiện nay, việc lập di chúc để “bảo đảm cho tài sản” sau khi chết được khá nhiều người chọn lựa. Vậy với di chúc có yếu tố nước ngoài thì cần phải chú ý những gì?

1. Di chúc có yếu tố nước ngoài là gì?
Di chúc là việc một người muốn chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi mình chết đi. Theo đó, di chúc có di chúc miệng và di chúc bằng văn bản. Chỉ khi không thể lập bằng văn bản thì mới sử dụng hình thức di chúc miệng.

Như vậy, di chúc có yếu tố nước ngoài là di chúc có một hoặc một số đặc điểm liên quan đến nước ngoài, cụ thể gồm:

– Người lập di chúc và người nhận thừa kế theo di chúc là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài;

– Địa điểm lập di chúc ở nước ngoài;…

di chúc có yếu tố nước ngoài
Di chúc có yếu tố nước ngoài là gì? (Ảnh minh họa)

2. Hiệu lực của di chúc được lập ở nước ngoài
Theo quy định tại Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015, di chúc được coi là hợp pháp nếu:

– Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc;

– Người lập di chúc không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép;

– Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội;

– Hình thức di chúc không trái quy định của luật.

Trong đó, di chúc bằng văn bản có thể được công chứng, chứng thực, có người làm chứng hoặc không có người làm chứng; Nếu không có người làm chứng thì người để lại di chúc phải tự viết và ký tên;

Di chúc miệng phải có ít nhất 02 người làm chứng và 02 người này phải ký tên, điểm chỉ vào bản di chúc miệng đó.

Ngoài ra, Điều 638 Bộ luật Dân sự 2015 nêu rõ, di chúc của công dân Việt Nam đang ở nước ngoài có chứng nhận của cơ quan lãnh sự, đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước đó thì có giá trị như di chúc được công chứng, chứng thực.

Do đó, nếu công dân Việt Nam đang ở nước ngoài, không có điều kiện để trở về Việt Nam thực hiện việc lập di chúc thì có thể đến cơ quan lãnh sự, đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài để lập di chúc.

Lúc này, di chúc vẫn có giá trị và được coi là hợp pháp ở Việt Nam nếu việc lập di chúc đảm bảo các điều kiện nêu trên.

di chúc có yếu tố nước ngoài
Chữ viết trong văn bản công chứng di chúc bắt buộc là tiếng Việt? (Ảnh minh họa)

3. Di chúc bằng tiếng nước ngoài có công chứng không?
Trước đây, Điều 649 Bộ luật Dân sự 2005 quy định, di chúc được lập thành văn bản và người thuộc dân tộc thiểu số có quyền lập di chúc bằng chữ viết và tiếng nói của dân tộc mình.

Đến Điều 627 Bộ luật Dân sự 2015 đã bỏ quy định về di chúc của người dân tộc thiểu số. Theo đó, pháp luật chỉ quy định di chúc có thể được lập thành văn bản hoặc di chúc miệng mà không giới hạn về chữ viết và ngôn ngữ.

Do vậy, pháp luật hiện hành không có quy định cấm người Việt Nam được lập di chúc bằng tiếng nước ngoài. Do đó, vẫn có thể lập di chúc bằng tiếng nước ngoài theo đúng trình tự, thủ tục của pháp luật.

Tuy nhiên, nếu di chúc được công chứng, chứng thực thì phải sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt bởi Điều 6 Luật Công chứng 2014, tiếng nói và chữ viết dùng trong công chứng là tiếng Việt.

Lúc này, người yêu cầu công chứng có thể dịch bản di chúc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt và công chứng, chứng thực như bình thường hoặc có thêm người làm chứng.

Do đó, nếu di chúc không công chứng, chứng thực thì có thể dùng ngôn ngữ nước ngoài tuy nhiên vẫn khuyến khích nên dùng tiếng Việt để tránh nhầm lẫn nội dung di chúc. Còn di chúc qua công chứng thì bắt buộc phải là tiếng Việt.

Không chỉ vậy, khi công bố di chúc, Điều 672 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, di chúc được lập bằng tiếng nước ngoài phải được dịch ra tiếng Việt và phải có chứng thực hoặc công chứng.

Như vậy, luật Việt Nam không cấm dùng ngoại ngữ để lập di chúc nhưng khi di chúc có hiệu lực pháp luật thì phải được công chứng, chứng thực và dịch ra tiếng Việt để tránh nhầm lẫn về nội dung của di chúc.

4. Để lại di chúc cho người nước ngoài được không?
Không chỉ người để lại di sản có thể lập di chúc ở nước ngoài mà còn có thể để lại tài sản của mình cho người ở nước ngoài hoặc có quốc tịch nước ngoài.

Bởi, quyền của người để lại di chúc được quy định tại Điều 626 Bộ luật Dân sự 2015 gồm:

– Chỉ định người thừa kế;

– Truất quyền hưởng di sản của người thừa kế;

– Phân định phần di sản cho từng người thừa kế;

– Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng;

– Giao nghĩa vụ cho người thừa kế;

– Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.

Do đó, việc chỉ định ai làm người thừa kế là quyền của người để lại di chúc nên hoàn toàn có thể để tài sản lại cho người nước ngoài sau khi chết.

5. Người nước ngoài có thể lập di chúc ở Việt Nam?
Theo quy định tại Điều 625 Bộ luật Dân sự 2015, người lập di chúc là người thành niên, minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình.

Theo đó, Điều 681 Bộ luật Dân sự 2015 quy định hình thức của di chúc được xác định theo pháp luật của nước nơi di chúc được lập.

Do đó, không hề có điều khoản nào cấm người nước ngoài không được lập di chúc tại Việt Nam.

Tuy nhiên, để di chúc đó có hiệu lực tại Việt Nam thì bắt buộc hình thức của di chúc phải phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và năng lực pháp luật của người lập di chúc phải phù hợp theo pháp luật của nước người đó có quốc tịch.

6. Những giấy tờ cần khi công chứng di chúc có yếu tố nước ngoài
Từ những phân tích trên, nếu muốn lập di chúc có yếu tố nước ngoài tại Phòng/Văn phòng công chứng thì phải chuẩn bị những giấy tờ sau:

– Phiếu yêu cầu công chứng;

– Giấy tờ về quyền sở hữu tài sản;

– Dự thảo di chúc (nếu có);

– Giấy tờ nhân thân:

+ Nếu có người Việt Nam định cư ở nước ngoài: Giấy tờ chứng minh về quốc tịch như giấy chứng minh nguồn gốc Việt Nam, giấy chứng nhận có hoặc thôi quốc tịch Việt Nam, các giấy tờ chứng minh được phép nhập cảnh vào Việt Nam…;

+ Nếu có người nước ngoài: Các giấy tờ chứng minh được phép nhập cảnh vào Việt Nam, giấy tờ chứng minh về năng lực hành vi như giấy khám sức khỏe, chứng minh nhân dân của người phiên dịch…;

– Các loại giấy tờ khác.

di chúc có yếu tố nước ngoài
03 lưu ý về tài sản trong di chúc có yếu tố nước ngoài (Ảnh minh họa)

7. Ba loại tài sản cần lưu ý trong di chúc
Ngoài những lưu ý nêu trên, vấn đề tài sản nào người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận thừa kế cũng rất quan trọng. Sau đây, xin lưu ý về 03 loại tài sản thường gặp nhất.

Tài sản là nhà ở

Với tài sản là nhà ở thì người nước ngoài phải thuộc diện được sở hữu nhà ở theo quy định tại Luật Nhà ở 2014 thì mới có quyền đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, nếu không thì chỉ được hưởng giá trị của căn nhà đó.

Cụ thể, theo Điều 8 Luật Nhà ở 2014, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được công nhận quyền sở hữu nhà ở thì phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam.

Với người nước ngoài thì được nhận thừa kế nhà ở tại Việt Nam gồm căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh phải đáp ứng các điều kiện sau:

– Được phép nhập cảnh vào Việt Nam;

– Không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự.

(Căn cứ Điều 159 Luật Nhà ở 2014)

Trong đó, người nước ngoài chỉ được nhận thừa kế không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa chung cư… Nếu không thuộc các trường hợp trên thì người nước ngoài chỉ được hưởng giá trị của nhà ở đó.

Người nước ngoài chỉ được sở hữu nhà ở tối đa không quá 50 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận và có thể được gia hạn nếu có nhu cầu. Thời hạn sở hữu nhà ở phải ghi rõ trong giấy chứng nhận.

Tài sản là đất ở

Điều 186 Luật Đất đai 2013, sửa đổi, bổ sung 2018 quy định, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng có quyền sở hữu nhà ở thì cũng có quyền sở hữu đất ở gắn liền với nhà ở tại Việt Nam và được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất ở.

Người nhận thừa kế theo di chúc sẽ không được cấp Giấy chứng nhận nếu là:

– Người nước ngoài;

– Người Việt Nam định cư ở nước ngoài không được nhập cảnh vào Việt Nam.

Những người này chỉ được hưởng giá trị của nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở khi nhận thừa kế nhưng được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất thừa kế cho người khác.

– Được đứng tên bên bán trong Hợp đồng mua bán nhà;

– Được đứng tên bên tặng cho trong Hợp đồng tặng cho đất;

– Nếu chưa bán hoặc cho thì có thể ủy quyền về việc nhận thừa kế gửi cơ quan đăng ký đất đai để cập nhật vào Sổ địa chính.

Ngoài ra, người nhận thừa kế không được cấp giấy chứng nhân có thể ủy quyền cho người khác trông nom, tạm sử dụng và thực hiện nghĩa vụ về đất đai.

Tài sản là tiền mặt

Theo quy định tại Thông tư 15/2011/TT-NHNN, nếu tài sản thừa kế theo di chúc là tiền mặt mà người hưởng di sản muốn mang theo ra nước ngoài thì phải khai báo Hải quan nếu trên:

– 5000 USD hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương;

– 15 triệu đồng.

Tuy nhiên, nếu mang séc du lịch, thẻ ngân hàng, sổ tiết kiệm, các loại chứng khoán và giấy tờ khác có giá trị bằng ngoại tệ hoặc tiền đồng Việt Nam thì không cần phải khai báo.

Trên đây là tổng hợp 07 thông tin cần biết về di chúc có yếu tố nước ngoài.

Bài viết cùng chuyên mục

Tham khảo thêm

Công Ty Luật Uy Tín Tại Hà Nội

Công ty luật là một trong những đối tác cần thiết của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động và phát triển. Việc lựa chọn

Facebook
Twitter
LinkedIn
Pinterest
Tumblr

THÔNG TIN LIÊN HỆ

CÔNG TY LUẬT VIỆT PHÚ